Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Hôn nhân và vấn đề Tôn giáo

QUYẾT ĐỊNH KẾT HÔN
Khi đôi trai gái yêu nhau, họ có thể bất chấp mọi ngăn trở để đến bên nhau, được ở bên nhau. Rồi đến một ngày đẹp trời nào đó, họ thấy cần luôn có nhau, luôn là của nhau và quyết định kết hôn. Lúc này họ trở nên thật tế hơn và có rất nhiều việc để làm. Một trong những việc đầu tiên họ phải quan tâm là xem xét trên nhiều mặt coi họ có hợp nhau không, từ tâm lý, tình dục, phong cách sống, môi trường sống đến những giá trị tinh thần. Tất nhiên không thể đòi hỏi họ phải hòa hợp tất cả mọi mặt và cũng khó lòng để biết hết các mặt ấy có thật sự hòa hợp hay không. Nhưng một khi đã quyết định đi đến hôn nhân đòi buộc hai người phải thật sự nghiêm túc đánh giá các mặt ở góc độ tốt nhất có thể.

ẢNH HƯỞNG CỦA TÍN NGƯỠNG ĐẾN CÁC YẾU TỐ TINH THẦN
Các giá trị tinh thần là những yếu tố rất quan trọng trong quá trình xem xét. Nó bao gồm quan điểm sống, quan điểm dạy con, cách kiếm tiền, quan điểm đạo đức, tín ngưỡng... Tuy nhiên nhiều cặp nam nữ lại đôi khi phớt lờ đi hoặc có một nhận thức khá mơ hồ những vấn đề này, đặc biệt vấn đề tín ngưỡng.

Tín ngưỡng của một người có ảnh hưởng đáng kể đến các giá trị tinh thần của người đó. Trong cùng một xã hội, tùy thuộc vào tôn giáo, trình độ nhận thức, truyền thống gia đình và lòng mộ đạo của từng người mà ảnh hưởng đó lớn hay nhỏ.

• Tôn giáo: trong các tôn giáo ở Việt Nam, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo là hai tôn giáo có quan điểm rất mạnh mẽ và cương quyết về việc giữ đạo. Cả hai tôn giáo hầu như không chấp nhận hôn nhân khác đạo, đặc biệt càng không chấp nhận việc chối bỏ đạo. Ở cộng đồng người Chăm, những ai kết hôn với người khác đạo đều không được chấp thuận ở trong làng nữa. Trong khi đó, Phật giáo hoặc Đạo giáo (thường được gọi nôm na là đạo thờ ông bà) lại không mấy khó khăn đối với vấn đề này.

• Trình độ nhận thức: cùng một câu kinh, cùng một lời dạy của Thánh nhân mỗi người hiểu theo một cách. Nếu nền giáo lý của tôn giáo đó được ngấm sâu vào các tín đồ thì cách nhìn nhận sẽ ít khác biệt. Những người có trình độ văn hóa thấp thường không suy diễn nhiều về những lời răn dạy nhưng ở những người được học lên thường hay có những quan điểm riêng về các lời dạy đó.

• Truyền thống gia đình: một gia đình có truyền thống mộ đạo thường có nếp sống đạo rất rõ ràng trong gia đình. Nhờ đó tín ngưỡng sẽ hằn sâu trong tâm trí của từng thành viên trong gia đình và tín ngưỡng sẽ ảnh hưởng chi phối lớn đến cách sống, cách nghĩ của họ. Với các gia đình ít mộ đạo, họ không có nếp sống đạo chung trong gia đình, thậm chí ai thích theo đạo nào cũng được, thì thường tín ngưỡng ảnh hưởng không sâu sắc đến các giá trị tinh thần bằng những người trong gia đình mộ đạo.

• Lòng mộ đạo: người nào càng mộ đạo, tín ngưỡng của họ sẽ ảnh hưởng càng lớn đến các giá trị tinh thần của họ. Mọi cách nghĩ, cách làm của họ đều bị chi phối.

GIÁ TRỊ TINH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Hòa hợp về các giá trị tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong hôn nhân gia đình. Một gia đình mà những giá trị tinh thần khác nhau thì người coi trọng vật chất, người lại coi trọng những giá trị tinh thần, một người thì bằng mọi cách kiếm tiền về, người kia lại khinh rẻ những đồng tiền dơ bẩn, cùng một việc làm người cho rằng đúng, người lại đả kích vì phi đạo đức...

Sự bất đồng quan điểm sẽ làm cho hai người không có tiếng nói chung, khó bàn bạc công việc, nói ra cái gì rồi cũng dễ sinh ra cãi vã. Họ sẽ dần thấy chán con người kia. Họ không còn đến với nhau để chia sẻ vui buồn, tâm hồn của họ sẽ không còn thoải mái tươi vui khi gặp nhau như trước nữa. Một gia đình như thế không đổ vỡ thì chí ít cũng không thể có hạnh phúc được.
 

KHÓ KHĂN KHI BẤT ĐỒNG TÍN NGƯỠNG
Có một gia đình nọ, chồng là người Công giáo, vợ là Đảng viên. Theo luật buộc, con cái họ phải được rửa tội và giáo dục theo giáo lý Công giáo. Khi cha đưa con đi rửa tội về, mẹ đem con ra tắm lại ngay với mục đích “hóa giải” việc rửa tội kia. Ngay từ lúc sơ sinh, con trẻ đã phải gánh chịu bất đồng chính kiến của cha mẹ. Làm sao gia đình này có hạnh phúc thật sự được.

Nhận thức được điều này, nhiều người dù có bất đồng tín ngưỡng nhưng họ vẫn tôn trọng tín ngưỡng của bạn đời mình và cố gắng không xâm phạm đến giá trị tinh thần ấy. Lúc đầu, mọi chuyện có vẻ suôn sẻ, thuận lợi. Nhưng về sau, khi đã có con cái, những vấn đề khó khăn dần dần nẩy sinh. Con cái họ bị đặt trong tình cảnh không biết theo mẹ hay cha. Có những gia đình tự sắp xếp cho con trai theo đạo cha, con gái theo đạo mẹ, gia đình khác lại để con cái tự do lựa chọn.


Cha mẹ có thể cố gắng hòa hợp trong quan điểm nhưng con cái một khi hưởng thụ những nền giáo dục khác nhau, những quan điểm khác nhau sẽ nẩy sinh dẫn đến mâu thuẫn anh em trong gia đình. Tôi có một người bạn. Anh là con trưởng trong một gia đình và có trách nhiệm giữ từ đường dòng họ, lo việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Hai em của anh theo đạo Tin Lành. Khi cúng gia tiên, chỉ có người anh lo lắng sắp sửa bàn thờ và làm lễ cúng bái. Lúc dọn đồ ăn ra, hai người em lại không ăn đồ cúng. Hoàn cảnh như vậy thật dễ sinh xung khắc anh em.

THEO TÍN NGƯỠNG CHO CÓ
“Con quỳ lạy Đức Chúa Trời
Cho con được vợ, con thôi nhà thờ”

Đối với người Công giáo, để hôn nhân được công nhận đòi buộc đôi hôn phối phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện nhất định. Một trong những điều kiện đó là người ngoại đạo phải chấp nhận niềm tin Kitô giáo của bạn mình và con cái. Để hoàn tất thủ tục hôn nhân, nhiều người vội vã chấp nhận theo đạo cho có hầu sớm được vợ (chồng) là người Công giáo. Họ không nhận thức hết được những khó khăn đang chờ đón họ. 

Thật chất luật buộc này không chỉ có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng mà còn để đôi tân nhân được hòa hợp trong tình yêu và đời sống. Nếu chỉ mang quan niệm “Cho con được vợ con thôi nhà thờ” thì có khi còn tệ hại hơn là không theo đạo nhưng biết chấp nhận và tôn trọng tín ngưỡng của bạn đời. Không xét về góc độ tôn giáo, chỉ xét về quan hệ gia đình thì người cha ấy đôi khi vô tình trở thành gương xấu cho con cái hay nói cách khác việc làm ấy ẩn chứa một nguy cơ xấu cho gia đình. Thử nghĩ về sau, khi người mẹ cho con cái tuân giữ theo tín ngưỡng mình có thể nó sẽ phản kháng và đưa người cha ra làm bức bình phong. Hoặc người cha có thể gieo vào đầu óc con cái những suy nghĩ lệch lạc để biện minh cho việc không giữ đạo của mình. Chưa kể có người còn trở mặt không cho bạn đời và con cái tuân giữ các tín ngưỡng của họ.


Rõ ràng việc bất đồng tín ngưỡng là một ngăn trở lớn trong hôn nhân. Nó đặt ra cho đôi trai gái những khó khăn thử thách khôn lường và là một mối nguy hại cho hạnh phúc gia đình, thậm chí có thể dẫn đến đỗ vỡ hôn nhân. Vì thế, một khi có ý định kết hôn với một người khác tín ngưỡng, đôi trai gái phải thật sự nghiêm túc suy xét vấn đề này để sẵn sàng đối mặt với những trắc trở trong nổ lực hòa hợp gia đình; bởi hạnh phúc gia đình đòi buộc phải có sự hòa hợp cả tình yêu và cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG