Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

Tượng Phật Di Lặc ở Việt Nam

Nói đến Phật Di Lặc, thông thường chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một vị Bồ tát béo tốt, khoát áo cà-sa để lộ bụng căng tròn, trên môi luôn nở nụ cười viên mãn. Hình tượng Phật Di Lặc ngày nay được nhân gian gắn liền với tiền tài, phú quý với tay nâng thỏi vàng hoặc xung quanh là những đồng tiền vàng, viên ngọc lấp lánh.

Theo kinh sách, Đức Phật Di Lặc xuất thân từ một gia đình quý tộc Bà La Môn (Brahman - Hán tự: 婆羅門 Pali: brāhmaṇa) ở lưu vực của sông Hằng, tại nước Ba La Nại (Vārāṇasī), thôn Kiếp Ba Lợi (Kalpali), cũng có tên là Ba Bà Lợi (Bàvari) thuộc Nam Thiên Trúc (Ấn Độ cổ đại). Hai chữ “Di Lặc” (彌勒) rất có thể đến từ thứ tiếng Tocharian của Tân Cương, là dịch âm trực tiếp từ chữ “Metrak” hoặc “Maitrak”; chữ này rất có quan hệ với chữ “maitri” (từ bi, từ ái) trong tiếng Phạn : मैत्रेय Di Lặc; Pali : Metteyya, Hán tự dịch là Từ Thị (cái nhìn từ bi, lòng từ bi) (慈氏). Cũng có thuyết rằng Ngài có tên là Vô Năng Thắng (無能勝 - Ajita - không gì có thể thắng nổi), phiên âm Hán-Việt là A-dật-đa.

Phật Di Lặc có gốc gác từ Ấn Độ, không có hình dáng như các tượng được tạc ngày nay tại Việt Nam.

Phật Di Lặc đi khất thực
Theo kinh Phật, Phật Di Lặc đang mang thân Thiên Chủ ngự trong nội cung Đâu Suất giáo hóa Đồ Chúng, nên Ngài thường được phụng thờ qua hình tượng vị Nhất Bổ Xứ Bồ Tát. Những hình ảnh về vị Bồ tát này cũng khác nhau.


Trong khi đó, một tượng Phật Di Lặc được coi là lớn nhất thế giới ở Kushinagar tại Ấn Độ được xây dựng theo phong cách Di Lặc cổ xưa

  
Tượng Phật Di Lặc tại Ấn Độ
Thời Ngũ Đại (907-960), vào triều Lương, trong dân gian xuất hiện hình ảnh Phật Di Lặc có miệng cười rạng rỡ hồn nhiên, sau lưng quảy bị vải gai. Đó chính là hình tượng Phật Di Lặc thường thấy ngày nay trong những tranh tượng, kinh sách ở các tự viện Phật giáo và được gọi là “Tiếu khẩu Di Lặc Phật” hay “Di Lặc Phật bụng phệ”. Hình tượng này được tạo theo tướng mạo của một vị hòa thượng có tên là Khế Thử. Hòa thượng Khế Thử,  hiệu là Trường Đinh Tử Bố đại sư, không rõ họ, người Tứ Minh, tỉnh Chiết Giang, có dáng mập mạp, bụng to, nói năng bất định, rong duổi khắp nơi, gặp đâu ngủ đó. Ông thường hay chống tích trượng, quảy một túi vải gai, đi ngao du, vừa khất thực vừa thuyết pháp, nên người cùng thời gọi ông là “Bố Đại Hòa Thượng” (布袋和尚 - hòa thượng túi vải).

 

 

 

 


Bố đại Hòa thượng

Có nhiều hình tượng về Phật Di-Lặc. Khi tượng Di-Lặc có 5 đứa bé vây quanh gọi là "Ngũ tử quấy Di Lặc" (五子戏弥勒). Ngũ tử ở đây còn gọi là ngũ tặc hoặc ngũ quỷ. Ngũ tặc là: tham, giận, dại, thương, muốn, gọi là nội ngũ tặc. Thiên-Chi ngũ tặc (năm mối giặc của trời cho) là Nhãn - con mắt, để nhìn, Nhĩ - tai, để nghe, Tỵ - mũi, để ngửi, Thiệt - lưỡi, để nếm, Ý - cái ý, để nghĩ.



Năm đứa trẻ cũng tượng trưng cho Ngũ dục, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ Trần (Thế-Chi ngũ tặc - năm mối giặc của thường đời). Đó là Sắc dục (ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt), Thinh dục (ham muốn tiếng hay, dịu ngọt), Hương dục (ham muốn mùi thơm ngạt ngào), Vị dục (ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt), Xúc dục (ham muốn sự đụng chạm mềm dịu). Ngoài ra còn được hiểu là Tài dục (ham muốn của, vàng ngọc), Sắc dục (ham sắc đẹp mỹ miều), Danh dục (ham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt), Thực dục (ham muốn thức ăn ngon nhiều), Thùy dục (ham muốn ngủ nghỉ nhiều).

hình từ http://thuvienhoasen.org/

Nếu Phật Di-Lặc có 6 đứa trẻ (六子弥勒佛) thì đó là tượng trưng lục căn. Trong kinh Phật dạy, mỗi người có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn đó nếu mê lầm bị sáu trần lôi cuốn thì sáu căn biến thành lục tặc. Tuy nói sáu căn chớ thật tình có năm căn quan trọng, tức là mắt tai mũi lưỡi thân, năm cửa đón tiếp bên ngoài. Còn nếu chúng ta khéo tu, khéo gỡ, không cho dính nhiễm sáu trần thì sáu căn liền thành lục căn (thông).



Phật Di Lặc ở Việt Nam thường được biết đến với hình ảnh của Bố Đại Hòa Thượng, một vị Bồ tát quảng đại bao dung, là biểu tượng của sự vô tư lự, vui vẻ và hạnh phúc viên mãn. Tượng Phật Di Lặc về sau được trở thành linh tượng phong thủy và (trần) tục hóa như là Thần Tài với tiền bạc, thỏi vàng và chiếc túi được cho là chứa rất nhiều châu báu. Ngay cả các vật tùy thân của ngài cũng được tục hóa như bình Hồ lô được coi là biểu tượng của sức khỏe và trường thọ hoặc chiếc gậy được coi là Gậy như ý, biểu tượng của quyền lực. Người ta "trưng" tượng Phật Di Lặc trong nhà với hy vọng mang lại nhiều điều tốt lành cho gia chủ, gia đạo.


Bức tượng "Ngũ tử quấy Di Lặc", trong lý lẽ của Phong Thủy thì năm đứa trẻ tượng trưng cho sự chuyển vận thông thuận của Ngũ hành, biểu tượng tốt lành và hòa thuận cho gia chủ và hóa giải được những dòng tà khí/sát khí, hoặc tượng trưng cho Ngũ Phúc gồm Phúc (Hạnh phúc) Lộc (tài lộc, giàu có), Thọ (sống thọ), Khang (sức khỏe an vui), Ninh (êm ấm, an toàn).


Kinh Thi
Xem thêm về Phật Di Lặc tại đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG