Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô - vị Giáo Hoàng thứ 266

Sau bốn đợt bỏ phiếu thất bại, 19h07 tối ngày 13/3/2013, theo giờ địa phương, làn khói trắng đã bay lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine, Hồng y Jorge Mario Bergoglio người Argentina chính thức trở thành vị giáo hoàng thứ 266.

Tiểu sử Tân giáo hoàng

Đức Tân Giáo hoàng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires, trong một gia đình có năm người con của một công nhân đường sắt. Cha ngài, ông Mario Jorge, di cư từ vùng Piedmont của Italia tới Argentina. Thời thiếu niên, cậu Bergoglio rất thích khiêu vũ, nhất là điệu tango.

Ngài theo học ngành hóa tại trường trung học kỹ thuật Escuelas Tecnicas số 27, Hipolito Yrigoyen sau đó lấy bằng thạc sĩ hóa học tại Buenos Aires . Năm 21 tuổi, ngài quyết định dâng hiến cuộc đời cho Chúa. 11 tháng ba năm 1958, ngài vào chủng viện Dòng Tên ở Villa Devoto và bắt đầu nghiên cứu thần học.  Năm 1960, ngài tốt nghiệp ngành triết tại trường đại học Công giáo Buenos Aires rồi tham gia giảng dạy văn học, tâm lý, triết học và thần học tại một số trường ở Argentina. Mãi đến năm 1969, ngài mới được thụ phong linh mục.

Tu Hội Chúa Giêsu đã bầu ngài làm Giám Tỉnh Argentina từ năm 1973 đến 1979. Năm 1980, ngài trở thành giám đốc chủng viện San Miguel, nơi ngài đã được đào tạo. Ngài phục vụ trong cương vị đó cho đến năm 1986 trước khi sang Đức hoàn thành luận án tiến sĩ và trở về quê hương của mình để phục vụ như là cha giải tội và linh hướng tại Córdoba.


Năm 1992, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục bởi Đức Hồng Y Antonio Quarracino. Vào ngày 3/6/1997, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires. Ngày 21 tháng 2 năm 2001, ngài được Đức thánh Cha Gioan Phao-lô II nâng lên hàng Hồng y (cùng đợt với Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) với Hiệu Tòa là nhà thờ Thánh Robert Bellarmino.

Vài nét về Đức Giáo hoàng 

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô (Francis) là vị Giáo Hoàng đầu tiên được sinh ra ở châu Mỹ. Ngài nói thành tạo các tiếng Ý, Đức, Tây Ban Nha và một chút tiếng Anh, Pháp, Bồ Đào Nha. Trong thời gian làm tổng giám mục Buenos Aires từ 1998-2013, ngài nổi tiếng với lối sống khiêm nhường, giản dị. Ngài thường sử dụng phương tiện công cộng thay vì taxi hoặc xe riêng để đi lại quanh Buenos Aires. Ngài không ngại hôn lên chân của những bệnh nhân AIDS, cầu nguyện cùng với những gái mại dâm và từ bỏ ngôi biệt thự sang trọng dành riêng cho Tổng Giám mục Buenos Aires để sống trong một căn hộ nhỏ với một linh mục nhiều tuổi hơn và tự nấu ăn. Ngài thường bay tới Rome bằng vé máy bay hạng phổ thông.



Giống như người tiền nhiệm là Giáo hoàng Biển-Đức (Benedict) XVI, người luôn gìn giữ và duy trì các giá trị chính thống của Công đồng Vatican II, Tân Giáo hoàng Phan-xi-cô được cho là người mang tư tưởng thần học chính thống và bảo thủ. Ngài phản đối luật hôn nhân đồng tính, ủng hộ giữ gìn các giá trị gia đình và là người đồng cảm với người nghèo.


Vị Tân Giáo hoàng đã chọn tước hiệu là Francis (Phan-xi-cô). Ngài chọn tên Thánh Phanxicô thành Assisi làm tước vị vì vị Tân Giáo hoàng đặc biệt quan tâm đến phúc lợi của người nghèo. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng mang tước hiệu "Francis" và cũng là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng không sử dụng tước hiệu của người tiền nhiệm kể từ triều đại của Đức Giáo Hoàng Lando (913-914)

Danh sách 14 vị Hồng Y sáng giá cho ngôi vị Tân Giáo hoàng trước đó không có Hồng Y Jorge Bergoglio
Sức khỏe của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô là một vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là sau khi người tiền nhiệm của ngài, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô lên ngôi ở tuổi 76, trẻ hơn 2 năm so với tuổi lúc nhận ngôi vị của người tiền nhiệm. Ngài được cho là có sức khỏe tốt do lối sống khắc khổ và lành mạnh của mình. Năm 1969, ngay sau khi trở thành một linh mục, ngài bị viêm phổi và u nang nên phần trên phổi phải của ngài đã bị cắt bỏ. Các bác sĩ nói rằng việc này không tác động đáng kể đến sức khỏe của ngài. Năm 2007, một cơn đau thần kinh tọa đã ngăn cản ngài tham dự một hội nghị công giáo và trì hoãn trở về Argentina trong nhiều ngày.

Huy hiệu của Đức Giáo hoàng có dòng chữ bằng tiếng Latin có nghĩa là "Thấp hèn nhưng lại được chọn",

Bài giảng trong thánh lễ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô

Chiều Thứ Năm ngày 14/3/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ tế thánh lễ đồng tế bế mạc Cơ Mật Viện cùng với 114 vị Hồng Y cử tri. Đây là thánh lễ đầu tiên của ngài trong cuơng vị Giáo Hoàng.



Trong bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như sau :

"Tôi thấy có một điều gì đó là chung nhất trong ba bài đọc này: đó là sự chuyển động. Trong Bài Đọc Thứ Nhất chuyển động chính là cuộc hành trình, trong Bài Đọc Thứ Hai chuyển động là việc hình thành nên Giáo Hội, trong Bài Thứ Ba, là bài Tin Mừng, chuyển động thể hiện trong hành động tuyên xưng. Tiến bước, xây dựng và tuyên xưng.

Tiến bước. “Hỡi nhà Giacóp, nào ta cùng đi trong ánh sáng của Chúa” (Is 2:5). Đây là điều đầu tiên Chúa nói với ông Abraham: Hãy tiến bước trước thiên nhan Ta và không chút tì ố! Tiến bước: cuộc đời của chúng ta là một cuộc lữ hành và khi chúng ta bất động thì ắt là phải có điều gì sai. Luôn tiến bước trước thiên nhan Chúa, trong ánh sáng Chúa, tìm cách để sống không vương chút bụi trần nào như Thiên Chúa đã yêu cầu nơi ông Abraham, trong lời hứa của Ngài.

Xây dựng Hội Thánh. Nói về những viên đá là đề cập đến sự vững chãi, nhưng những viên đá được đề cập ở đây là những viên đá được Chúa Thánh Thần xức dầu. Hãy xây dựng Hội Thánh, hỡi Hiền Thê của Đức Kitô, với tảng đá góc tường cũng chính là Chúa. Trong mọi chuyển động của đời ta, chúng ta hãy đắp xây!

Thứ ba là tuyên xưng. Chúng ta có thể tiến bước theo ý muốn của mình, chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì có ích gì? Chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO) đáng thương, chứ không phải là Giáo Hội, không phải là Hiền Thê của Chúa. Khi ta không tiến, ta dừng lại. Khi ta không xây dựng trên đá tảng vững chắc, điều gì sẽ xảy ra? Đó chính là điều đã xảy đến với những trẻ em xây những lâu đài trên cát ngoài bãi biển, tất cả đều xụp đổ, nó không có gì vững chắc. Khi ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì tôi nhớ lại lời của Léon Bloy: “Ai không cầu nguyện cùng Thiên Chúa, là cầu nguyện với quỷ dữ”. Khi ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, ta tuyên xưng sự trần tục của ma quỷ.

Tiến bước, đắp xây và tuyên xưng. Nhưng đời không dễ thế đâu, vì trong tiến bước, đắp xây và tuyên xưng, đôi khi có những chao đảo, có những chuyển động trệch ra khỏi quỹ đạo và có cả những chuyển động kéo chúng ta lùi lại.

Tin Mừng được tiếp tục với một hoàn cảnh đặc biệt. Cũng chính Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, đã thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Chẳng liên quan gì với nó đâu. Con sẽ theo Thầy trên những nẻo đường khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta tiến bước mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.

Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, có được can đảm, can đảm để tiến bước trước thiên nhan Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây dựng Hội Thánh trên Máu Thánh Chúa được đổ ra trên Thánh Giá, và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất là Đức Kitô chịu đóng đinh. Bằng cách này, Giáo Hội sẽ tiến lên.

Niềm ước vọng của tôi cho tất cả chúng ta là Chúa Thánh Thần, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, sẽ ban cho chúng ta ân sủng để: tiến bước, xây dựng và tuyên xưng Đức Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Xin được như vậy. Amen" (Bản dịch của J.B. Đặng Minh An)


Nguyện xin Thiên Chúa đổ tràn hồng ân cho Đức Thánh Cha để Ngài dẫn dắt Hội thánh Chúa trong thời gian tới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG