Mặc dù biết rằng chồng mình thuộc diện sĩ quan, còn lâu mới mãn hạn cải tạo, nhưng tâm hồn chị Hồng luôn hướng về chồng, mong đợi chồng và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ như thể chồng sẽ trở về nay mai.
Mỗi buổi sáng, chị dậy sớm quét dọn con đường từ cổng vào đến thềm nhà như thể hôm nay chồng chị sẽ đặt những bước chân yêu thương lên con đường mới quét.
Rồi chị tiếp tục quét dọn nhà cửa tươm tất sạch sẽ, lau chùi bộ bàn ghế phòng khách, cắm thêm những cánh hoa hồng còn đọng sương mai vào bình, thứ hoa mà chồng chị ưa thích, như thể chồng sắp về đến nơi.
Vào mỗi bữa ăn, chị lại đặt thêm chén và đôi đũa như thể có chồng cùng ngồi ăn bên cạnh.
Chị làm tất cả những việc đó trong niềm mong đợi, trong tâm tình yêu thương.
Trong khi đó, người láng giềng của Hồng có tên là Phượng, cũng có chồng đi cải tạo. Phượng nghĩ rằng chồng mình còn lâu mới về, nên rủ rê bạn hữu đến nhà đánh bài, loại hình giải trí mà chồng của Phượng rất ghét. Ban đầu thì bạn gái, dần dần thì các ông lợi dụng đến nhà Phượng đánh bài để buông lời chọc ghẹo tán tỉnh và cuối cùng Phượng đã lang chạ với những người đàn ông đó.
Đôi khi lương tâm cũng lên tiếng nhắc nhở Phượng hãy tu tỉnh lại, nhưng chị nghĩ rằng chồng mình thuộc diện sĩ quan, phải cải tạo ít nữa mươi năm mới về, thôi thì cứ vui chơi cho thoả thích, đợi đến thời gian chồng sắp về mới tu tỉnh lại thì cũng chẳng sao. Chị luôn tự nhủ lòng: chồng còn lâu mới về… vội gì… cứ hưởng đời đi, hưởng tuổi xuân đi… bao giờ chồng sắp về, sẽ tính.
Chị Hồng giống như “người tôi tớ tốt, thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn, đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay.” (Lc 12, 36). Đó là trường hợp được Chúa Giê-su tuyên dương và chúc phúc.
Trong khi đó, chị Phượng được ví như người đầy tớ xấu, cứ nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa…”
Và số phận của người đó sẽ là: “chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín”. (Lc 12, 45-46)
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn lại mình!
Cuộc sống của chúng ta hôm nay đang họa lại nếp sống của Hồng hay của Phượng? Trong tương quan với Chúa, chúng ta mang tâm trạng, thái độ của ai trong hai phụ nữ trên đây?
Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ thích chọn cách sống của Phượng. Họ nghĩ rằng còn lâu mình mới chết; còn lâu Chúa mới tới gõ cửa nhà mình. Thế thì hãy lợi dụng quãng thời gian ‘vắng Chúa’ để chơi bời cho thoả thích. Chờ khi tuổi đã về chiều, sức tàn lực kiệt… rồi mới tu tỉnh lại đón Chúa sau. Chứ hôm nay thì… cứ sống như không có Chúa!
Nếu thế thì hãy tự hỏi lòng mình: Phượng có xứng đáng với tình yêu của chồng không? Có xứng đáng chung sống với chồng trong ngày đoàn tụ không?
Và tôi, người học theo sách của Phượng, tôi có xứng đáng ‘chường mặt’ ra chào đón Chúa trong ngày Ngài đến gõ cửa nhà mình không? Tôi có xứng đáng được Ngài đón rước vào Ngôi Nhà hoan lạc mà Ngài đã dành sẵn cho tôi trên quê trời không?
Hôm nay, Chúa Giê-su lại kêu gọi chúng ta hãy sẵn sàng, hãy tỉnh thức, nhưng tỉnh thức không chỉ có nghĩa là coi chừng giờ chết đến, không chỉ có nghĩa là dọn mình cho sẵn sàng để khi chết khỏi sa hoả ngục, hay đợi chờ ngày Chúa quang lâm mà ai cũng nghĩ là còn xa tít mù khơi… nhưng đúng hơn, tỉnh thức là lúc nào cũng sống trong tình yêu thương: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh chị em là hiện thân của Ngài và luôn thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống.
Một khi đã sống tình mến Chúa yêu người thì không còn phải sợ Chúa đến thình lình để phán xét, vì khi phán xét những người sống trong yêu thương, Chúa Giê-su sẽ tuyên dương người ấy: “Hỡi con là kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho con ngay từ thuở tạo thiên lập địa…” vì con đã luôn yêu thương giúp đỡ Ta. (Mt 25, 34)
Như thế, tỉnh thức là thể hiện tình yêu thương đối với Chúa và tha nhân. Có tỉnh thức như thế mai sau mới đáng được đón nhận vào chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên quê trời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét