Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Cà-vạt


Cà-vạt theo thời gian
Theo tài liệu thì cà-vạt đã có từ trên ba trăm năm, và luôn thay đổi cho tới các hình thức hiện tại. Từ cuối thế kỷ thứ 16 danh từ “dải” hay “băng” (Band) được dùng để gọi cho bất kỳ khăn nào cuốn ở cổ. Nó có thể là phần vải dính liền với cổ áo hoặc tách rời ra. Còn từ “Cravat” thì dùng để chỉ một khăn dài cuốn quanh cổ, được thắt ở phía trước thành nút và thắt bằng một sợi giây khác.

Chuyện kể rằng: Năm 1660, trong kỳ ăn mừng đánh thắng quân Thổ-Nhĩ-Kỳ (Turkey), có một trung đoàn lính đánh thuê người Croatia cũng hiện diện ở Ba-Lê (Paris). Trung đoàn này rất dễ nhận diện qua các khăn quàng cổ bằng vải lụa với mầu sắc rực rỡ. Trung đoàn này được trình diện với vua Louis XIV, vua nước Pháp, một ông vua nổi tiếng thích các đồ trang sức cá nhân. Vì rất thích kiểu khăn quàng này, nên sau đó không lâu, vua Louis XIV đã dùng nó như một dấu hiệu cho trung đoàn Cà-Vạt Hoàng Gia (Royal Cravatte). Năm 1669, quận chúa của Lavallière, người rất được vua sủng ái, là người đàn bà đầu tiên mang cà-vạt; vì thế trong thế kỷ thứ 19 một kiểu cà-vạt được mang tên của vị quận chúa này. Chữ “cravat” một cách tình cờ được phát xuất từ chữ “Croat”. Từ cà-vạt hay ca-vát mà chúng ta dùng là đọc trại đi từ chữ cravate của tiếng Pháp.
Không bao lâu sau đó thời trang này tới nước Anh. Những người gọi là lịch sự (gentleman), biết cách ăn mặc, thường phải có một cái gì đó cuốn quanh cổ, càng mầu mè bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Có thời kỳ vì kiểu cà-vạt quá cao, người ta phải xoay cả thân người để có thể quay được cổ. Ngay cả có trường hợp vì cà-vạt quá dầy mà kiếm đâm qua cũng không nổi.
Thời gian này có nhiều kiểu khác nhau như: cà-vạt bằng những sợi giây có núm tua, khăn quàng cổ sọc vuông, dải buộc, v.v. Theo ông Le Blanc, hướng dẫn viên về cách thắt cà-vạt, thì có gần một trăm kiểu thắt cà-vạt khác nhau.
Thập niên 1670 cà-vạt trở thành tấm khăn hình chữ nhật chụm lại trước ngực và thường được thắt lại bằng sợi ru-băng bằng lụa. Cà-vạt càng ngày càng trở nên phức tạp trong cách làm và kiểu cách. Ý muốn có một viên đá quý ở cổ đã kéo dài từ thế kỷ 18 cho đến ngày nay. Ðôi khi những nút rời để gắn vào cổ áo còn đi chung với các nút ở cổ tay áo.
Tới thập niên 1690 cà-vạt không còn được coi như hợp thời, dù rằng người ta vẫn thắt cà-vạt trong các nghi lễ chính thức. Cà-vạt dài có đường viền được thay thế bằng loại đơn giản hơn, và có lẽ sự thay đổi này càng lẹ do ảnh hưởng bởi cách ăn mặc của lính trong cuộc chiến Pháp từ 1689 đến 1697. Kiểu cà-vạt Steinkirk, tên trận chiến Steinkirk ở Flanders trong năm 1692, được cả hai phái ưa thích cho tới thập niên 1720.
Trong thế kỷ thứ 18, cà-vạt thay đổi kiểu đều đều. Những tên cũ được đặt cho các kiểu mới khi cà-vạt tái xuất hiện trong thập niên 1770. Sự tái xuất hiện này có thể do một nhóm trẻ người Anh, nhóm Macaroni, trở về sau một chuyến đi vòng quanh Âu châu và họ đã mang về những quan niệm mới về cách ăn mặc họ đã thấy ở bên Ý. Vì có sự quan tâm đặc liệt về cách thắt cà-vạt cho thật đúng kiểu, một số sách đã được in ra. Sách xuất bản đầu tiên vào năm 1818, gồm các hướng dẫn có kèm theo các hình vẽ về cách thắt 14 kiểu cà-vạt khác nhau. Ðây là quyển sách tiếng Anh đầu tiên dùng chữ “tie” thay vì chữ “cravat”.
Lúc bấy giờ cổ áo ngắn lại hơn đã sinh ra nhiều kiểu cà-vạt khác, không những chỉ khác nhau bằng mầu sắc mà cả cách thắt cũng khác. Hồi đó người ta có thể xác định được địa vị trong xã hội bằng cách chọn cổ áo và cà-vạt, và mầu của cà-vạt cũng có thể được dùng để chỉ vào một sự tin tưởng chính trị nào đó. Mầu sắc cũng được dùng để phân biệt các đội thể thao khác nhau, sinh viên của một trường, và dĩ nhiên trong quân đội cho các quân binh chủng khác nhau.
Ðến hậu bán thế kỷ thứ 19 thì cà-vạt trở thành thông dụng trong cách ăn mặc của đàn ông. Thường màu đen và trắng được dùng cho buổi tối, các mầu khác được dùng cho ban ngày. Thời gian này các mầu sắc thường rất rực rỡ. Tuy nhiên đến thập niên 1930 thì phẩm chất, mầu sắc và các kiểu cách bị hạn chế lại. Có lẽ do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ vào thời đó. Tiếp theo là Ðệ nhị thế chiến (1939-1945), lụa được dành riêng để làm dù cho lính Mỹ và Anh. Cà-vạt trong thời gian này được làm bằng len (wool).
Trong thập niên 1950 gió lại đổi chiều. Ở Pháp, Ý và Anh các mầu sắc của cà-vạt lại thi nhau nở rộ; có in đủ các hình ảnh nghệ thuật, các kiến trúc nổi tiếng, và có cả các hình chùm nho, chai rượu và ly tách. Tuy nhiên đến thập niên 1960, số người thắt cà-vạt giảm xuống nhiều, một phần do sự phản kháng chống lại những cách ăn mặc một cách nghi thức, một phần khác là chống lại những tập tục cổ truyền. Cà-vạt cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 có bản rộng. Thời gian đó ve của áo vét và cổ của áo sơ-mi đều rộng. Như thế chúng rất cân xứng với nhau. Nhưng một khi ve áo vét và cổ áo thu nhỏ lại thì cà-vạt rộng không còn thích hợp nữa, và cà-vạt bản rộng đã trở thành nạn nhân của thời trang. Kể từ giữa thập niên 1970 đến nay số cà-vạt bán ra càng ngày càng nhiều.
Có lẽ không có món đồ nào của đàn ông lại thay đổi thường xuyên như cà-vạt. Hình như câu hỏi đầu tiên của các nhà thiết kế thời trang là - không biết cà-vạt năm tới sẽ rộng hơn hay hẹp hơn?

Cách chọn cà-vạt

Bề ngang của cà-vạt, chỗ lớn nhất, thường là 8 cm hoặc có thể nằm trong khoảng từ 7 đến 9 cm. Nếu lớn hơn hoặc nhỏ hơn sẽ dễ bị quá mốt. Thường bề ngang của cà-vạt phải đi với cổ áo sơ-mi cũng như ve áo vét, lớn thì lớn cả, nhỏ thì nhỏ cả, như thế nó mới cân xứng với nhau.
Cà-vạt thường có chiều dài tiêu chuẩn từ 132 đến 149 cm. Những người cao lớn, hoặc những người thắt theo kiểu Windsor (xin coi phần dưới) có thể phải dùng loại cà-vạt dài hơn. Khi thắt xong đầu lớn của cà-vạt nên ngang với dây thắt lưng quần hoặc hơi ngắn hơn chút xíu.
Nếu cà-vạt làm bằng lụa thì khi cầm nó phải mềm mại, nếu không đó là loại lụa phẩm chất xấu. Nên để ý mặt vải xem có chỗ nào không đều hoặc có nếp nhăn. Có thể thử cà-vạt bằng cách vắt ngang tay, bình thường nó phải buông thẳng xuống, nếu bị vẹo hoặc xoắn, thì không nên mua.
Cà-vạt tốt nhất hiện nay làm bằng len (wool), 100 phần trăm bằng len, và thường chỉ được làm ở Âu châu. Nếu len pha với các loại khác thì sẽ bị kém phẩm chất, càng pha nhiều càng kém phẩm chất. Sau nữa, để ý xem cà-vạt làm bằng mấy miếng vải khâu lại với nhau, nếu chỉ có hai là loại thường, nó phải có ba miếng. Chúng ta có thể dùng ngón tay lần theo chiều dài của cà-vạt để biết.

Cách thắt cà-vạt

Nói về cà-vạt làm sao tránh khỏi nói về nút thắt. Oscar Wilde trong “The important of Being Earnest” nói: “Thắt cà-vạt đúng cách là bước quan trọng đầu tiên trong đời”. Hành động thắt cà-vạt đầy biểu tượng và gần như mang một ý nghĩa kỳ diệu. Một biểu tượng của nam phái, nút thắt tượng trưng cho sự kết hợp, hôn nhân, khả năng sinh sản và do đó đời sống.
Có nhiều cách thắt cà-vạt khác nhau, ở đây chúng ta chỉ nói đến những kiểu thông dụng. Nhưng kiểu nào thì hợp cho bạn? Hơi khó trả lời, vì mọi người đều có những cá tính, cách thức ăn mặc riêng. Do đó có người thích kiểu thắt này vì nó gọn và dễ làm, nhưng có người lại thích kiểu thắt khác vì trông nó có vẻ lịch sự hơn. Tốt hơn hết là bạn cứ thử mọi kiểu rồi chọn cho mình những kiểu mà mình thấy thích hợp nhất.

Four in Hand

Kiểu này thông dụng nhất với người Mỹ gốc Anh và người Anh trong 50 năm qua. Kiểu này tuy gọi là Four in hand (bốn cách của/trong tay?) nhưng nó không ăn nhập gì tới cách thắt cà-vạt cả. Nó được gọi như vậy vì cách thắt cà-vạt theo kiểu này phát xuất từ câu lạc bộ mang tên Four-in-Hand ở Luân Ðôn (London). Kiểu này hơi nhỏ, không cân đối lắm và có vẻ hơi kín đáo. Kiểu này thích hợp cho các loại cà-vạt tương đối rộng bản, làm bằng loại vải dầy.
1. Ðể phần to "T" của cà-vạt dài hơn phần nhỏ "N", phần "T" nằm trên phần "N". Dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ cà-vạt.

2. Vòng đầu "T" qua phía sau của phần "N" và về phía trái.


3. Tiếp tục mang đầu "T" về phía phải, phía trên của phần "N".

4. Luồn đầu "T" qua khoảng cách giữa cổ áo và nút cà-vạt.

5. Dùng ngón giữa để giữ cho nút thắt hơi rộng ra. Mang đầu "T" xuống và xỏ qua nút thắt ở phía trước.

6. Dùng hai tay để thắt lại cho chặt. Một tay giữ nút thắt, tay kia giữ phần "N", từ từ kéo nút thắt lên cổ áo và kéo phần "N" xuống. Khi xong, đầu "T" của cà-vạt nên ngang với giây thắt lưng quần.

Windsor

Trong thập niên 1930, Edward, Thái tử xứ Wales (có người nói là Quận công của Windsor) nghĩ ra kiểu thắt mang tên Windsor này; nhưng sau ông không công nhận điều này. Windsor có hai cách thắt: một là Windsor và một cách khác là Half Windsor (bán/ một nửa Windsor). Kiểu Windsor trông bự hơn, có vẻ tự tin hơn. Nhiều người nghĩ là ăn bận đúng cách phải dùng kiểu này, nhưng cũng có những người khác không thích kiểu thắt này vì họ cho rằng trông nó quá bự. Dẫu sao thắt cà-vạt theo kiểu Windsor thường chỉ hợp với loại áo có cổ rộng.
Kiểu Windsor:  kiểu này biểu lộ cho sự đứng đắn, tự tin. Thích hợp trong các buổi trình diễn, khi đi phỏng vấn kiếm việc, trong những cơ quan hành chánh, tòa án, v.v. Kiểu này thích hợp hơn cho những người có cổ cao, vì nó giúp làm cho cổ trông bớt cao hơn.
Kiểu bán Windsor: Kiểu bán Windsor thường thì thích hợp hơn với các loại cà-vạt tương đối rộng bản, làm bằng loại vải nhẹ hoặc trung bình.

Kiểu Windsor

Kiểu bán Windsor


1. Ðể phần to "T" của cà-vạt dài hơn phần nhỏ "N", phần "T" nằm trên phần "N". Dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ cà-vạt.

1. Ðể phần to "T" của cà-vạt dài hơn phần nhỏ "N", phần "T" nằm trên phần "N". Dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ cà-vạt.

2. Luồn đầu "T" qua khoảng cách giữa cổ áo và cà-vạt, rồi bỏ xuống dưới.

2. Mang đầu "T" vòng phía sau phần "N".

3. Mang đầu "T" vòng phía sau phần "N" về phía bên trái. Lúc này phía trong phần "T" hướng ra ngoài.

3. Tiếp tục mang đầu "T" lên trên.

4. Mang đầu "T" từ trái qua phải, vòng qua phía trên phần "N".

4. Luồn đầu "T" qua khoảng cách giữa cổ áo và cà-vạt và kéo xuống dưới.

5. Kéo đầu "T" qua khoảng cách giữa cổ áo và nút cà-vạt lần nữa.

5. Mang đầu "T" từ trái qua phải, vòng qua phía trên phần "N".

6. Dùng ngón giữa để giữ cho nút thắt hơi rộng ra. Mang đầu "T" xuống và xỏ qua nút thắt ở phía trước.

6. Kéo đầu "T" qua khoảng cách giữa cổ áo và nút cà-vạt lần nữa.

7. Dùng hai tay để thắt lại cho chặt. Một tay giữ nút thắt, tay kia giữ phần "N", từ từ kéo nút thắt lên cổ áo và kéo phần "N" xuống. Khi xong, đầu "T" của cà-vạt nên ngang với giây thắt lưng quần.

7. Dùng ngón giữa để giữ cho nút thắt hơi rộng ra. Mang đầu "T" xuống và xỏ qua nút thắt ở phía trước.

8. Dùng hai tay để thắt lại cho chặt. Một tay giữ nút thắt, tay kia giữ phần "N", từ từ kéo nút thắt lên cổ áo và kéo phần "N" xuống. Khi xong, đầu "T" của cà-vạt nên ngang với giây thắt lưng quần.

Kiểu Pratt

Năm 1989, một người Mỹ, Jerry Pratt, nghĩ ra kiểu này. Kiểu này còn gọi là Shelby, gọn gàng và hơi bự, tuy không bự bằng kiểu Windsor. Thường thì thích hợp hơn với các loại cà-vạt tương đối rộng bản, làm bằng loại vải nhẹ hoặc trung bình.

1. Ðể phần to "T" của cà-vạt dài hơn phần nhỏ "N", phần "T" nằm dưới phần "N". Cà-vạt xoay ngược ra ngoài. Dùng ngón cái và trỏ để dữ cà-vạt.

2. Luồn đầu "T" qua khoảng cách giữa cổ áo và cà-vạt.

3. Kéo đầu "T" xuống và xiết lại.

4. Mang đầu "T" về phía bên trái.

5. Kéo đầu "T" qua khoảng cách giữa cổ áo và nút cà-vạt.

6. Dùng ngón giữa để giữ cho nút thắt hơi rộng ra. Mang đầu "T" xuống và xỏ qua nút thắt ở phía trước.

7. Dùng hai tay để thắt lại cho chặt. Một tay giữ nút thắt, tay kia giữ phần "N", từ từ kéo nút thắt lên cổ áo và kéo phần "N" xuống. Khi xong, đầu "T" của cà-vạt nên ngang với giây thắt lưng quần.

Nơ (Bow Tie)

Nơ như hình dạng hiện nay phát xuất từ xưa. Khi đó người ta dùng vải quấn quanh cổ nhiều lần rồi thắt nút ở phía trước. Khi thắt nơ người trông có vẻ lịch sự và trang trọng hơn. Phải chăng đó là lý do mà thường chỉ có một bác-sĩ trong tám người là không thắt nơ tại đại học Johns Hopkins ở Mỹ, trong thập niên 1980. Thắt nơ màu đen đi chung với áo có đuôi dài trong dịp đám cưới rất thích hợp. Nên để ý là nơ không nên rộng hơn phần lớn nhất của cổ và cũng không nên dài hơn các đầu của cổ áo.

1. Ðể nơ trên cổ, đầu "A" dài hơn đầu "B".

2. Mang đầu "A" xéo qua bên phải.

3. Luồn đầu "A" qua khoảng cách giữa cổ áo và nơ.

4. Gấp đầu "B", chỗ bự, lại làm đôi.

5. Ðể đầu “A” trên chính giữa phần vừa mới gấp lại. Dùng ngón cái và trỏ để dữ nơ.

6. Gấp đầu "A", chỗ bự, lại làm đôi rồi ấn nó qua vòng hở ở phía sau của nơ.

7. Chỉnh nơ lại bằng cách kéo hai đầu chót của nơ và làm ngay lại chỗ thắt ở giữa.



Ðến đây là chúng ta đã có thể biết cách thắt cà-vạt được những kiểu thông dụng. Không có gì gọi là ghê gớm lắm phải không bạn. Chúng ta còn có nhiều kiểu thắt khác nữa chứ không phải chỉ dừng lại ở đây. Theo như sách của T.Fink và M.Yao, thì có tất cả 85 kiểu để thắt cà-vạt. Bạn nào muốn ăn diện cho đúng mức thì nên tìm quyển sách này để mua.

Phụ tùng cà-vạt
Các phụ tùng thường để giữ cho cà-vạt đừng làm vướng víu khi làm việc hoặc lúc ăn uống. Chúng ta thấy có bốn loại chính: thanh cài cà-vạt (tie bars/ tie slide), kẹp cà-vạt (tie clip/ tie clasp), đính cà-vạt (tie tacks) và dây chuyền giữ cà-vạt (tie chain).
Thanh cài cà-vạt
Thanh cài cà-vạt là một miếng kim loại mỏng dùng để gài ở khoảng giữa của cà-vạt vào với áo. Hình dạng có thể đơn giản như hình ở trên cùng, hoặc sáng tạo như hình thứ ba, trông giống cây bút.
Kẹp cà-vạt
Người ta dùng kẹp cà-vạt để kẹp cà-vạt vào với áo. Kiểu này và kiểu vừa nói ở trên trông khá giống nhau, nó chỉ khác là một loại thì gài, một loại thì kẹp.
Ðính cà-vạt
Cái đính cà-vạt gồm có hai phần: phần đầu kim đính và phần phía trong hay đế. Phần đế được nối với phần còn lại bằng một sợi dây. Ðầu kim đính có thể là đá qúy, huy hiệu của công ty, huy hiệu của tổ chức, …
Muốn đính cà-vạt người ta phải rút cái kim ra khỏi phần đế, xuyên kim thủng qua cà-vạt, rồi gắn phần đế vào lại. Phần đế cùng với sợi dây sẽ được luồn qua một trong các lỗ khuy áo.

Dây chuyền giữ cà-vạt
Chỗ giữa khung, phía trên, dùng để móc vào một trong những nút áo. Sau đó cà-vạt sẽ được luồn qua sợi dây. Khi làm xong người ta sẽ chỉ thấy phần dây nằm phía ngoài cà-vạt, còn phần khung móc vào nút áo sẽ được cà-vạt che đi. Ða số dây chuyền giữ cà-vạt làm bằng bạc hoặc vàng, và không khác kiểu nhau mấy.

Trong tất cả các loại phụ tùng cho cà-vạt kể ở trên chỉ có thanh cài cà-vạt là ít làm cho cà-vạt bị hư hại nhất.

Tháo cà-vạt đúng cách

Cà-vạt rất dễ bị hư nếu không biết giữ gìn đúng cách. Lỗi thường nhất là chúng ta không chịu gỡ cà-vạt ra hết, thay vào đó chúng ta làm cho vòng thắt lớn ra, lớn vừa đủ để lấy ra khỏi đầu, rồi sau đó treo cà-vạt vào móc áo hoặc máng vào đầu ghế. Làm theo kiểu đó cà-vạt sẽ dễ bị hư nhất. Một lỗi khác nữa là tháo cà-vạt ra không đúng cách.
Tháo cà-vạt cho đúng cách là làm ngược lại thứ tự của khi thắt cà-vạt vào, bắt đầu bằng bước cuối cùng rồi trở lên từ từ cho đến bước thứ nhất. Nếu không làm như vậy thì cà-vạt sẽ chóng bị xéo, không còn được ngay thẳng như hồi mới mua nữa.

Làm hết các nếp nhăn

Cà-vạt khi tháo ra thường có nếp nhăn, dù đôi khi chỉ mới mang có vài tiếng đồng hồ. Ðể làm hết những nếp nhăn này chúng ta có thể làm theo cách thức sau:
1. Dùng ngón cái kẹp đầu nhỏ của cà-vạt vào lòng bàn tay, đầu lớn của cà-vạt để tự nhiên thòng xuống đất.
2. Cuốn cà-vạt quanh bàn tay nhiều lần cho đến hết.
3. Lấy cà-vạt cuốn rồi mang bỏ trên mặt bàn hoặc trong ngăn tủ và để đó trong vài tiếng đồng hồ là những nếp nhăn sẽ hết.
Cà-vạt làm bằng vải lụa có thể treo vào móc, còn cà-vạt làm theo kiểu khâu lại bằng tay thì không nên treo, mà nên cuộn tròn lại rồi bỏ trong ngăn tủ. Cuốn cà-vạt rồi bỏ vào va-li khi đi xa cũng rất tiện và tránh được bị hư hại.

Làm sạch các vết dơ

Cà-vạt không nên làm sạch bằng hóa chất (dry-cleaned) vì nó dễ làm cho mặt vải không còn láng đẹp nữa. Nếu vết dơ là chất nước chúng ta có thể dùng cùng loại vải chà sát để tẩy nó đi; có thể dùng đầu khác của cà-vạt trong trường hợp này. Nếu bị dơ nhiều chúng ta có thể dùng chất carbon tetrachloride để tẩy. Còn nếu bạn không tự tin lắm thì tốt hơn hết nên mang tới tiệm giặt đồ để hỏi họ. Nếu vẫn không được nữa thì chỉ còn cách chịu thua!

http://linh2010.tripod.com/


Tomas Fink va Young Mao, 2 nhà vật lý của phòng thí nghiệm Cavendish thuộc ĐH Cambridge đã chứng minh rằng có tất cả 85 cách thắt cravat. Tuy nhiên, chỉ có 10 cách đạt được mức độ mỹ thuật tương đối. Trong đó, có 4 cách thắt cravat thường được áp dụng nhất.
Xin giới thiệu với các bạn 4 cách thắt đó:
1. Thắt cà vạt kiểu Pratt
Kiểu này được Pratt nghĩ ra năm 1985. Nút thắt có thể điều chỉnh kích thước, hình dáng đẹp, đuôi nút nhọn. Phần cravat ở đầu nút tròn trịa.

“A” – phần đuôi rộng, “B” – phần đuôi nhỏ.
1. Đặt “A” bên dưới “B”.
2. Gấp “A” ra ngoài để tạo hình dáng nút thắt.
3. Luồn “A” vào bên trong, kéo qua phải.
4. Chuyển hưởng “A” qua trái, vòng ngoài “B”, tạo miệng nút thắt.
5. Vòng “A” vào trong một lần nữa.
6. Luồn “A” qua miệng nút vừa tạo, thắt chặt.

2. Thắt cà vạt kiểu Winsor
Kiểu này có nút thắt to, thích hợp cho các cravat có hoa văn lớn. Nhiều người cho rằng cách thắt này được tạo bởi Công tước Windsor, người đã từ bỏ ngai vàng nước Anh để lấy một người phụ nữ Mỹ.

“A” – phần đuôi rộng, “B” – phần đuôi nhỏ.
1. Đặt “A” bên trên “В”.
2. Vòng “А” vào trong, tạo hình bên phải.
3. Kéo “А” xuống, luồn bên dưới “В”, hướng qua trái.
4. Vòng “A” vào trong, tạo hình bên trái.
5. Kéo “A” xuống, vòng bên ngoài để tạo miệng nút.
6. Vòng A vào trong, luồn ra ngoài qua miệng nút vừa tạo.
7. Thắt chặt.
3. Thắt cà vạt kiểu Semiwindsor
Nút thắt vừa phải, hình dáng đẹp. Cách thắt đơn giản hơn Windsor.

“A” – phần đuôi rộng, “B” – phần đuôi nhỏ.
1. Đặt “A” trên “В”.
2. Luồn “А” bên dưới và hướng qua trái.
3. Hướng “A” lên.
4. Vòng “A” vào trong để tạo hình.
5. Kéo “A” xuống, vòng bên ngoài để tạo miệng nút.
6-7. Vòng “A” vào trong, luồn ra ngoài theo miệng nút vừa tạo.
8. Thắt chặt.
4. Thắt cà vạt kiểu Quater
Nút dài và thẳng. Cách thắt đơn giản.
“A” – phần đuôi rộng, “B” – phần đuôi nhỏ.
1-2. Giống SemiWindsor.
3. “A” được vòng qua “B” một lần nữa để tạo miệng nút.
4. Vòng “A” vào trong và luồn ra ngoài theo miệng nút vừa tạo.
5. Giữa nút bằng ngón cái và ngón trỏ, kéo nhẹ A để thắt chặt nút.
6. Kéo nhẹ “B” để kéo cravat lên sát cổ áo.

Một số nguyên tắc cơ bản
Đầu cuối của cravat phải vừa chạm vào ngay phía trên khoá dây lưng.
Chất liệu: tốt nhất là lụa 100%. Mềm khi chạm vào và dễ chịu khi đeo.
Kiểu cắt: cravat tốt là loại có đường cắt chéo, như thế sẽ không bị quăn sau khi thắt.
Hình dạng: cravat có chất lượng tử tế phải có tính đàn hồi, dễ dàng duy trì hình dạng gốc của nó. Khi thử, bạn kéo nhẹ hai đầu dây để xem nó có quay lại hình dạng lúc đầu không.
Độ thẳng: kiểm tra bằng cách cầm điểm giữa của cravat giơ cao lên, nếu bạn thấy nó không rũ thẳng thì có lẽ là lớp vải ngoài bị may quá chặt vào lớp lót.
Phong cách: chính là vấn đề màu sắc. Hãy chọn loại thích hợp với quần áo, tính cách của bạn. Lưu ý, áo có hoa văn sặc sỡ hoặc áo carô không nên đồng hành với cravat có hoạ tiết và sặc sỡ.

Vật phụ tưởng như thừa: nếu bạn thấy một nút chỉ sát cravat, đừng vội cắt nó đi. Nút này giúp cho cravat được căng trong những lần đeo đầu tiên.

Tường Vy
Theo Trí Thức Trẻ






Vân Anh (Theo BI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG