Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Tai nạn máy bay Su-22M4 ngày 16/4

Trưa ngày 16/4/2015, lúc 10 giờ 40, toàn bộ tín hiệu của hai chiếc máy bay quân sự Su-22M4 của Không quân Việt Nam thuộc trung đoàn không quân 937, sư đoàn không quân 370 đột ngột bị mất. Phi đội 2 chiếc Su-22M4 gặp nạn cất cánh từ Thành Sơn, Phan Rang và đang thực hiện bài tập nhào lộn để cắt bom theo kế hoạch. Địa điểm của hai chiếc tiêm kích này lúc mật tín hiệu cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) chừng 6 hải lý về hướng Bắc, vùng biển giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, gần đảo Hòn Trứng.

Theo nhận định ban đầu, hai máy bay này đang tập luyện bổ nhào ngoài biển, lúc lao lên thì va chạm nhau. Ngay sau tai nạn, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 7 phối hợp với ngư dân trên biển khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn nhưng mới chỉ tìm thấy 3 thùng dầu phụ, một phần dù.



Sự việc xảy ra nhằm vào ngày tỉnh Ninh Thuận đang tổ chức trọng thể Lễ míttinh kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975-16/4/2015). Hai phi công gặp nạn là Trung tá Lê Văn Nghĩa (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937), lái máy bay số hiệu 5857, và Đại úy Nguyễn Anh Tú (phi đội phó Phi đội I, Trung đoàn 937) điều khiển máy bay số hiệu 5863.

Vị trí hai máy bay SU 22 mất liên lạc - Đồ họa: NHƯ KHANH, nguồn Tuoitre.vn

Trung đoàn 937 (Đoàn Hậu Giang) đóng tại Sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận là Trung đoàn Tiêm kích-Bom thuộc Sư đoàn 370 (Đoàn Lê Lợi), được trang bị máy bay Sukhoi SU-22M4/UM4. Lực lượng Không quân Cường kích là một binh chủng thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân có chức năng sử dụng các máy bay tiêm kích-bom nhằm thực hiện các nhiệm vụ ném bom, không kích, tấn công các mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển của đối phương cũng như sử dụng hỏa lực hỗ trợ, giải vây các đơn vị bộ binh đang tác chiến. Sân bay Thành Sơn là sân bay quan trọng bậc nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam. Nơi đây, vào ngày 28 tháng 4 năm 1975, Phi đội Quyết Thắng, một phi đội gồm các phi công Không quân Nhân dân Việt Nam, sự giúp đỡ của phi công Nguyễn Thành Trung, sử dụng máy bay ném bom A-37 Dragonfly, đã cất cánh và ném bom vào sân bây Tân Sơn Nhất, gây hoang mang cho chính quyền, quân lực Việt Nam Cộng hòa và những người di tản tại đây.

Máy bay tiêm kích Su-22M4 là một máy bay tấn công phát triển từ Sukhoi Su-7 máy bay chiến đấu-ném bom của Liên Xô. Đây là phiên bản xuất khẩu của máy bay Su-17M-4 ('Fitter-K') phiên bản Sukhoi Su-17 cuối cùng của Liên Xô. Sukhoi Su-17 'Fitter' là máy bay tiêm kích động cơ phản lực thế hệ thứ ba (Thế hệ hiện đại hiện nay là thấ hệ thứ năm). Chuyến bay đầu tiên vào ngày 19 tháng sáu năm 1980 do phi công Yu. A. Yegorov điều khiển. Su-22M4 (sản phẩm S54K)  được sản xuất 1983-1990 có thiết kế cánh cụp, cánh xòe để thực hiện những chuyến bay tốc độ cao ở tầm thấp.

Su-22M4 xuất kích. Nguồn: kienthuc.net.vn

Su-22M4 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và trên biển, cả ngày và đêm và điều kiện thời tiết bất lợi, bay tuần tra và không chiến với máy bay địch.
Su-22M4 được trang bị 2 pháo 30 mm NR30 với cơ số 80 viên đạn, với 10 giá treo mang được 4 tấn vũ khí các loại gồm: tên lửa không đối không R-60; tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25, Kh-29; tên lửa chống radar BA-58 Vjuga; bom có điều khiển; bom và rocket không điều khiển. Su-22M4 được nâng cấp đáng kể hệ thống điện tử, gồm các hệ thống dẫn đường, hệ thống đo khoảng cách laser, định vị vô tuyến, và hệ thống radar cảnh báo SPO-15LE.

Vũ khí dưới bụng Su-22M. Nguồn: www.livingwarbirds.com/

Su-22M4 có thể đạt vận tốc cực đại là 1400 km/h, trần bay 14.200m, tầm bắn tuần tiễu 1.150 km và tấn công là 2.300 km. Công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép chiếc tiêm kích này tăng tốc nhanh chóng. Cũng như đa số máy bay quân sự, máy bay tiêm kích được trang bị ghế phóng động cơ tên lửa để cứu phi công trong tình huống khẩn cấp.


Su-22M4 xòe cánh để nâng cao tốc độ khi bay thấp và cụp lại để bay với tốc độ cao hơn.
Su-22 đã phục vụ thời gian dài trong quân đội Liên Xô và Nga. Trên 1.000 máy bay Su-22 được xuất khẩu ra 22 nước, đa phần là các nước Đông Âu - khối XHCN (cũ), và các nước Trung Đông, trong đó có Cộng hòa Séc và Ba-lan.

Không quân Séc được trang bị 31 chiếc Su-22M-4 và 5 chiếc Su-22UM-3K nhưng đã bị cho ngừng hoạt động từ năm 2002. Không quân Ba Lan còn 48 Su-22M4K và Su-22UM3K và có kế hoạch thay thế Su-22 với ba phi đội UAV (Máy bay không người lái - Unmanned aerial vehicle) vào năm 2012. Tuy nhiên, đến năm 2014 Không quân Ba Lan vẫn quyết định giữ lại Su-22 trong quân đội vì các máy bay tiêm kích này ít trục trặc và dễ sửa chữa. Quan trọng hơn, Không quân Ba Lan vẫn còn một kho dự trữ lớn vũ khí không-đối-đất để trang bị cho Su-22.

Một phi đội Su-22M4 của Không quân Cộng hòa Séc (tháng 7/1995) - nguồn http://commons.wikimedia.org

Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một lượng lớn máy bay cường kích Sukhoi Su-22M vào những ngày đầu Trung đoàn Không quân tiêm kích 929 được thành lập. Sau khối khối XHCN Đông Âu bị sụp đổ, không còn sự viện trợ của Liên-xô (cũ), Không quân Việt Nam đã phải mua các máy bay Su-22 cũ đã qua sử dụng  các nước Đông Âu nhằm trang bị cho các đơn vị Không quân Tiêm kích-bom. Cụ thể là năm 2004, Việt Nam được cho là mua khoảng 10 máy bay Su-22M4 từ CH Séc và năm 2005, đã mua 40 máy bay Su‐22M4 đã qua sử dụng từ Ba Lan. Một số vụ tai nạn đã xảy với dòng Su-22 này. Vụ đầu tiên vào ngày 9 tháng 8 năm 2006, khi một chiếc Su-22 đang bay diễn tập đã đâm thẳng vào chân núi Hòn Khô, thuộc địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận và viên phi công đã kịp bung dù thoát nạn. Một vụ khác đã xảy ra vào ngày 9 tháng 6 năm 2009 nhưng viên phi công lần này đã hy sinh.

Việt Nam đang có kế hoạch mua thêm nhiều máy bay Sukhoi Su-30 nhằm thay thế cho các máy bay Su-22 đã lỗi thời trong nhiệm vụ cường kích.




Tổng hợp từ http://tuoitre.vnvi.wikipediahttp://www.baogiaothong.vnhttp://en.wikipediahttps://ru.wikipedia










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG