Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Xăng và tính chống kích nổ của xăng

Hiện nay, ở Việt Nam đang lưu hành hai loại xăng là A92 và A95. Bắt đầu từ 01-01-2018, xăng sinh học E5 sẽ thay thế cho xăng A92. Thông thường, khi đổ xăng cho xe, đa phần chúng ta đổ theo sự thuận tiện, có xăng nào đổ xăng đó. Nếu trạm xăng có hai loại, người thì đổ xăng A92 cho tiết kiệm vì giá rẻ hơn, người lại đổ xăng A95 cho yên tâm vì giá mắc hơn, hẳn là tốt hơn.  Đôi khi, chúng ta nghĩ đơn giản xăng nào cũng là xăng, trước kia còn đổ xăng 87 hay 90 thì có sao đâu. Nhưng đối với nhà thiết kế động cơ không như vậy. Dùng sai loại xăng trong thời gian ngắn có thể không sao nhưng về lâu dài sẽ khiến cho động cơ mau hỏng hóc. Đúng ra, việc lựa chọn đổ loại xăng nào phụ thuộc chủ yếu vào loại xe mà bạn sử dụng. Cụ thể hơn, tỷ số nén của động cơ xe sẽ quyết định nên đổ xăng loại gì.

Xăng 92 và 95 khác nhau chỗ nào

Xăng là chất lỏng chứa Hydrocarbon, dễ bay hơi, dễ bốc cháy,  thu được bằng cách chưng cất trực tiếp dầu khi nung nóng từ 35 đến 205 ° C và tách hydrocarbon ở nhiệt độ 450-500 ° C với sự có mặt của một chất xúc tác. Xăng có tỷ trọng d15= từ 0.70 đến 0.75, nhiệt độ sôi từ 35-200 ° C. Xăng có chứa khoảng 85% carbon, 15% hydro và một lượng nhỏ oxy, nitơ, lưu huỳnh và các chất phụ gia.

Động cơ xe xăng là động cơ đốt trong bốn thì. Khi động cơ vào kỳ nén, nhiên liệu và không khí được trộn lẫn và nén xuống thể tích nhỏ trước khi được đánh lửa. Khi hỗn hợp này bị nén càng với áp lực cao, càng dễ cháy nổ. Vì vậy người ta luôn tìm mọi giải pháp tránh không để xảy ra hiện tượng tự kích nổ. Chất lượng xăng nói chung được thể hiện qua số chống tự kích nổ. Chỉ số 92 hoặc 95 là chỉ số chống tự kích nổ. Chỉ số này càng cao thì khả năng chống tự kích nổ (Anti Knock Index - AKI) càng tốt. Điều này giúp bảo vệ động cơ và tăng độ an toàn cho người sử dụng.

Tại sao phải chống tự kích nổ

Động cơ chạy xăng phổ biến nhất là động cơ bốn thì (động cơ Otto). Việc đốt cháy nhiên liệu được diễn ra trong buồng đốt bởi một hệ thống đánh lửa theo một trật tự và kiểm soát. Hỗn hợp xăng và không khí được làm nóng do bị nén và sau đó được bugi kích hoạt tại điểm chết để đốt cháy nhanh chóng, đúng thời điểm lý tưởng hầu phát huy tối đa áp lực tạo ra khi đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu. Trong quá trình khi nén được làm nóng trong buồng đốt, hỗn hợp nhiên liệu có thể tự kích cháy (nổ) trước khi bugi phóng điện. Việc bị kích nổ sớm có thể gây áp lực cao hơn nhiều so với thiết kế của động cơ, và có thể gây ra âm thanh "gõ lách cách" và có thể gây ra thiệt hại động cơ lớn nếu nghiêm trọng.

Các nhà sán xuất xe thường xuyên nâng cấp động cơ bằng cách tích hợp thêm nhiều tính năng mới như hệ thống làm lạnh trong, hệ thống đánh lửa tự động và tăng tỷ lệ nén của động cơ vì trên lý thuyết nhiệt động học, với tỷ số nén càng cao, hiệu suất nhiệt càng gần đến cực đại. Tuy nhiên, hiện tượng kích nổ sớm đã làm mau hư động cơ. Vì vậy, người ta phải khống chế tỷ số nén ở dưới một giá trị tới hạn cho phép. Các hệ thống quản lý động cơ được sử dụng phổ biến nhất trong ô tô ngày nay có một bộ cảm biến gõ. Thời gian đánh lửa sẽ tự động được thay đổi bởi hệ thống quản lý động cơ để giảm tiếng gõ xuống mức chấp nhận được.

Chỉ số Chống kích nổ của xăng là gì

Thành phần của xăng gồm nhiều hydrocarbon no, có dạng mạch nhánh và carbuahydro thơm là các kết cấu bền vững. Xăng có cấu trúc càng bền vừng thi tính tự cháy càng kém, do đó khó xảy ra kích nổ vả ngược lại.

Để đánh giá tính Chống kích nổ của xăng, người ta dùng một thông số gọi là Octan. Octan là một nhóm hydrocarbon là thành phần điển hình của xăng. Chúng là những chất lỏng không màu, đun sôi ở nhiệt độ 125 ° C (260 ° F). Số octan của nhiên liệu được đo bằng động cơ đo kiểm, và được xác định bằng cách so sánh với hỗn hợp 2,2,4-Trimetylpentan (iso-octane - CH18) và heptan (CH16). Iso-octan có tỷ lệ octan là 100 trong khi heptan có chỉ số octan là 0. Hai chất này có những tính chất vật lý rất gần nhau như tính chất bay hơi và đặc biệt là nhiệt độ sôi, chính vì vậy, khi ta thay đổi tỷ số “heptan: iso-octan” từ 100:0 đến 0:100 thì hầu như các thông số trên thay đổi không đáng kể. Điều này rất quan trọng đối với quá trình thử nghiệm, vì khả năng bay hơi của nhiên liệu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của động cơ. Ví dụ, xăng có hỗn hợp 90% iso-octan và 10% heptan sẽ có tỷ lệ octan là 90. Tuy nhiên, xăng thương mại không chỉ có iso-octan và heptan mà là một hỗn hợp nhiều hydrocarbon và các chất phụ gia khác. Do đó, số octan 90 nghĩa là xăng A90 có thông số chống kích nổ tương đương hỗn hợp xăng có 90% iso-octan và 10% heptan.

Như vậy, octan chỉ là một thước đo xu hướng đốt nhiên liệu theo cách kiểm soát chứ không phải là kích nổ không kiểm soát.

Liệu có xăng có octan trên 100

Cấu trúc phân tử của Tetraethyllead 
Bởi vì một số nhiên liệu có khả năng chống sốc cao hơn iso-octan nên sẽ có xăng có chỉ số octan cao hơn 100. Các loại xăng xe đua, Avgas , khí hóa lỏng, và các loại nhiên liệu cồn như methanol hoặc ethanol có thể có tỷ lệ octan lên110 hoặc cao hơn. Các phụ gia xăng tăng chỉ số octan tiêu biểu bao gồm MTBE , ETBE , iso-octan và toluene. Tetraethyllead (TEL), là một hợp chất organolead với công thức ( CH3 CH2)4 Pb. TEL là một phụ gia xăng đầu tiên được trộn với xăng bắt đầu vào những năm 1920 giúp tăng octan và cho phép tỷ lệ nén động cơ được nâng lên đáng kể. Điều này làm tăng hiệu suất và tiết kiệm nhiên liệu cho động cơ. Nhưng do chì trong TEL gây ô nhiễm môi trường nên đã dần dần được loại bỏ trên toàn thế giới, bắt đầu từ những năm 1970.

Những chữ RON 92, Mogas 92 có khác nhau không, hay các chỉ số octan đều giống nhau

MOGAS là viết tắt của Motor Gasoline, nghĩa là xăng thương mại dùng cho động cơ. Các con số đứng sau tên gọi của xăng như A92, A95 hay Mogas92, Mogas95 dùng để thể hiện chỉ số Octan của loại xăng đó. Một cách tổng thể, chỉ số Octan càng cao, xăng có chất lượng càng cao và ngược lại. Có 4 loại xăng Octan thông dụng là RON, MON, AKI (hay PON) và IOR (hay RdON) đều sử dụng chỉ số Octan để đánh giá, phân loại, sự khác nhau chỉ là cách tính mà thôi.

RON là viết tắt của Research Octane Number (Chỉ số Octan nghiên cứu). Đây là loại đánh giá octan phổ biến nhất trên thế giới. RON được xác định bằng cách vận hành nhiên liệu trong động cơ thử nghiệm có tỷ lệ nén khác nhau trong điều kiện được kiểm soát và so sánh các kết quả với hỗn hợp của iso-octan và n-heptan. Chỉ số RON thể hiện cách mà nhiên liệu hoạt động trong động cơ ở tốc độ và nhiệt độ thấp.

MON là viết tắt của Motor Octane Number (Chỉ số Octan Động cơ). MON được xác định ở tốc độ động cơ 900 vòng / phút thay vì 600 vòng / phút cho RON. MON sử dụng một động cơ thử nghiệm tương tự như trong thử nghiệm RON, nhưng với một hỗn hợp nhiên liệu được làm nóng trước, tốc độ động cơ cao hơn, và thời điểm đánh lửa biến đổi để tăng ứng suất chống kích nổ của nhiên liệu. Chỉ số MON thường thấp hơn RON từ 8 đến 12 đơn vị.

AKI là viết tắt của Anti-Knock Index hoặc (R + M) / 2. Ở Canada, Hoa Kỳ, Brazil, và một số nước khác thường dùng Chỉ số chống kích nổ và thường viết trên trụ xăng là (R + M) / 2. Đôi khi nó cũng có thể được gọi là PON (Posted Octane Number). Do điều này mà chỉ số octan ở Hoa Kỳ và Canada thường thấp hơn 4 đến 6 điểm so với các nơi khác trên thế giới dù chất lượng ngang nhau.

Sự khác biệt này giữa RON và MON được gọi là Độ Nhậy của Nhiên liệu, và thường không được công bố cho những nước sử dụng hệ thống Chỉ số Chống kích nổ.

Một loại đánh giá Octan khác là Observed Road Octane Number (RdON). Chỉ số này được phát triển trong những năm 1920 và vẫn đáng tin cậy ngày hôm nay nhưng ít được sử dụng.

Vậy chữ A viết tắt chữ gì

Đây là cách gọi theo phân loại xăng dầu của Nga. Liên minh Hải quan của Nga đã ban hành tiêu chuẩn GOST (ГОСТ) với các quy định kỹ thuật cho xăng dầu lưu hành trên lãnh thổ Nga. Một loại xăng sẽ thể hiện 3 nhóm chữ. Ví dụ xăng không chì AI (АИ) - 80 lớp K3, Xăng không chì AI-95 K3, K4 và K5

Nhóm thứ nhất: các chữ cái AI, biểu thị xăng xe máy với định nghĩa số octan theo phương pháp nghiên cứu. A viết tắt của Aвтомобильные - Ô tô và I viết tắt của Исследовательскому - Nghiên cứu.

Nhóm thứ hai: chỉ định số lượng octan của xăng động cơ (80, 92, 95 và 98), được xác định bằng phương pháp nghiên cứu.

Nhóm thứ ba: ký hiệu K3, K4, K5, biểu thị lớp sinh thái xăng động cơ.

Ví dụ:

1. Xăng AI-92-K3. Loại K3 có nghĩa là trong xăng này, hàm lượng lưu huỳnh (chỉ số chính để xác định chất lượng xăng) là 150 mg/kg.

2. Xăng AI-92-K4. Loại K4 có nghĩa là trong xăng này hàm lượng lưu huỳnh là 50 mg/kg.

3. Xăng dầu AI-92-K5. Loại K5 có nghĩa là trong xăng này hàm lượng lưu huỳnh là 10 mg/kg.

Lựa chọn xăng cho xe thế nào

Hệ suất nén của động cơ là một tiêu chí quan trọng để sử dụng loại xăng thích hợp. Mỗi loại động cơ được thiết kế để hoạt động với hệ số nén tối ưu. Mỗi động cơ của mỗi xe đã được thiết kế để dùng số octan tối thiểu. Thường thì xe mới, động cơ hiệu suất cao có hệ số nén lớn nên dùng nhiên liệu có chỉ số octane cao. Các hãng xe thường khuyến cáo khách hàng dùng loại nhiên liệu nào. 

Sau khi thử nghiệm với nhiều dạng động cơ và nhiều loại xăng có chỉ số Octan khác nhau, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận lựa chọn chỉ số Octan dựa trên tỷ số nén của mỗi loại động cơ. 


Tỷ số nén Chỉ số Octan tối ưu 
05:0172
06:0181
07:0187
08:0192
09:0196 
10:01100 
11:01104 
12:01108 

Từ bảng trên cho thấy với những xe có tỷ số nén từ 9:1 trở lên là phải dùng xăng A95 nhưng trên thực tế, do có những ảnh hưởng khác mà các nhà sản xuất thường khuyến cáo xe có tỷ số nén trên 10:1 mới nên sử dụng xăng A95.

Các xe có tỷ số nén động cơ dưới 9/1 (thường là các loại xe số như Honda Dream, Wave, Jupiter…) cần sử dụng xăng A92, còn các loại xe tay ga có tỷ số nén trên 9.5/1 nên thường sử dụng xăng A95.

Việc xe có tỷ số nén thấp sử dụng xăng có chỉ số octane cao sẽ khiến xăng không cháy hết, gây hao hụt nhiên liệu, giảm công suất, đồng thời gây hiện tượng đóng cặn khiến máy mau hỏng. Hơn nữa dù ít hay nhiều cũng gây hiện tượng kích nổ, hao mòn máy và giảm hiệu suất động cơ.

Ngược lại, xe có tỷ số nén cao sử dụng xăng A92 có thể gây hiện tượng kích nổ - xăng bùng cháy trước khi bugi đánh lửa, gây hao hụt năng lượng, gây nóng máy, giảm hiệu suất, rất có hại cho động cơ.


Bản chất nhiên liệu ( xăng, dầu ) không cháy mà chỉ có hỗn hợp giữa nhiên liệu và không khí mới cháy. Các loại xe gắn máy và ôtô đời cũ, chúng có đặc điểm chung là dùng bộ chế hoà khí (bình xăng con) để tạo ra hỗn hợp xăng gió để tạo ra hỗn hợp gồm không khí và nhiên liệu ở tỷ lệ tối ưu. Không cân bằng khí và nhiên liệu sẽ làm hao nhiên liệu.
   . Không khí (gió) nhiều: xe bị hụt hơi ở vòng tua cao. Nếu bình thường xe chạy 100km/h đều máy nhưng chỉnh không khí nhiều, ga lên tới 80-90km/h là đã hụt hơi.
   . Không khí (gió) ít: máy nổ không êm. Thợ sửa xe máy thường thử bằng cách rồ ga to rồi nhả đột ngột. Nếu tiếng pô nổ có kèm theo tiếng tạch rất to đó là một trong những hiện tượng thừa nhiên liệu.

Hầu hết các xe đời mới đều trang bị hệ thống điều hành tự động (EFI - Electronic Fuel Injection) thay cho bộ chế hoà khí. Trên ô tô, rất nhiều cảm biến được lắp đặt giúp máy tính trung tâm điều khiển động cơ làm việc hiệu quả nhất.

  • Cảm biến vị trí trục khuỷu (Crankshaft sensor): thường làm việc cùng lúc với cảm biến trục cam giúp máy tính vừa nhận biết vị trí pit-tông, vừa nhận biết vị trí của các su-pap để tính toán thời điểm đánh lửa và lượng nhiên liệu phun vào hợp lý nhất. 
  • Cảm biến vị trí trục cam (Camshaft sensor): xác định vị trí của trục cam và cung cấp thông tin cho bộ xử lý trung tâm để tính toán thời điểm phun nhiên liệu hợp lý nhất. 
  • Cảm biến vị trí bướm ga (TPS sensor): có nhiệm vụ xác định độ mở của bướm ga và gửi thông tin về bộ xử lý trung tâm giúp điều chỉnh lượng phun nhiên liệu tối ưu theo độ mở bướm ga. 
  • Cảm biến áp suất khí nạp ( Map sensor): có nhiệm vụ cung cấp tín hiệu áp suất chân không dưới dạng điện áp hoặc tần số về bộ xử lý trung tâm để tính toán lượng nhiên liệu cần cung cấp cho động cơ. 
  • Cảm biến nhiệt độ nước làm mát (Engine Coolant Temperature sensor): có nhiệm vụ đo nhiệt độ của nước làm mát động cơ và truyền tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm để tính toán thời gian phun nhiên liệu, góc đánh lửa sớm, tốc độ chạy không tải, ...Ở một số dòng xe, tín hiệu này còn được dùng để điều khiển hệ thống kiểm soát khí xả, chạy quạt làm mát động cơ. 
  • Cảm biến lưu lượng khí nạp ( MAF): có chức năng đo khối lượng khí nạp qua cửa hút và truyền tín hiệu về ECU để điều chỉnh lượng nhiên liệu phun đạt tỉ lệ chuẩn. C 
  • Cảm biến kích nổ (Knock sensor): có chức năng phát hiện sung kích nổ phát sinh bên trong động cơ và truyền tín hiệu này đến ECU nhằm điều chỉnh thời điểm đánh lửa trễ đi, ngăn chặn hiện tượng kích nổ. 
  • Cảm biến oxy (Oxygen sensor): có chức năng đo lượng oxy dư trong khí thải động cơ và truyền tín hiệu về ECU nhằm điều chỉnh tỉ lệ nhiên liệu và không khí cho phù hợp. 

Đổ xăng không đúng theo khuyến cáo có ảnh hưởng tới động cơ không

Các nhà sản xuất thường đưa ra khuyến cáo cho khách hàng chỉ số Octan tối ưu dành cho từng loại động cơ ở từng điều kiện vận hành nhất định, và người dùng phải tôn trọng các khuyến cáo và cẩn trọng với những quyết định của mình.

Đối với các dòng xe ngày nay, nhà sản sản đã trang bị nhiều cảm biến giúp động cơ tự hoạt động ở điều kiện tối ưu. Trong trường hợp bạn sử dụng loại xăng có chỉ số Octan khác loại đang dùng, các hệ thống cảm biến sẽ lập tức đưa động cơ về trạng thái hoạt động tối ưu nhất đối với loại xăng đó bằng cách thay đổi thông số dòng nhiên liệu, dòng không khí để điều chỉnh hỗn hợp xăng-khí, thời điểm bugi đánh lửa sớm hay muộn.

Nếu loại nhiên liệu sử dụng có chỉ số Octan đúng như yêu cầu, động cơ được vận hành trơn tru ở điều kiện tối ưu. Khi nhiên liệu có chỉ số Octan cao hơn sẽ chẳng có ảnh hưởng đáng kể nào đến hoạt động của chúng. Nếu nhiên liệu có chỉ số Octan thấp hơn chỉ số Octan tối ưu không đáng kể, hệ thống điều hành tự động chuyển về điều kiện vận hành tối ưu. Nhưng nếu chỉ số Octan nhiên liệu thấp đáng kể sẽ ảnh hưởng xấu tới động cơ. Nếu bạn đổ xen kẻ các loại xăng, bạn sẽ có một hỗn hợp nhiên liệu với trị số octan nằm giữa 2 loại. Hệ thống cảm biến của các xe đời mới sẽ tự tính toán để điều chỉnh tự động hỗn hợp xăng-khí, thời điểm bugi đánh lửa... để không ảnh hưởng đến động cơ xe.

Bản thân nhiệt độ môi trường cũng làm ảnh hưởng chỉ số kích nổ của nhiên liệu. Vào mùa đông, bạn có thể đổ xăng có chỉ số Octan thấp hơn để tiết kiệm tiền mà không làm giảm sức mạnh của động cơ.

Các đời xe cũ thường có tỷ số nén động cơ thấp và thích hợp với xăng chó chỉ số octan thấp. Với các loại xăng hiện nay ở Việt Nam có chỉ số octan trên 92 sẽ không ảnh hưởng xấu đến động cơ. Nếu xe đời cũ có tỷ lệ nén của động cơ cao mà dùng nhiên liệu có chỉ số octan thấp thì động cơ sẽ mau hư hơn như đã trình bày ở phần trên.

Xăng sinh học E5 là loại xăng gì

Dầu mỏ là loại năng lượng hóa thạch và đang dần cạn kiệt. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, sự thiếu hụt năng lượng trên thế giới, xăng sinh học và các nhiên liệu thay thế khác đang được nghiên cứu và áp dụng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần.

Xăng pha ethanol, còn được gọi là gasohol, có số "E" mô tả tỷ lệ phần trăm của nhiên liệu ethanol trong hỗn hợp theo thể tích. Xăng E5 chính là xăng A92 trộn lẫn 5% ethanol có nồng độ 99,5%. Theo các nghiên cứu, xăng sinh học E5 khi đốt cháy có mức khí thải độc hại thấp hơn hẳn so với các loại nhiên liệu hóa thạch thông thường. Kết quả thử nghiệm cho thấy, nhờ có hàm lượng Oxy cao hơn xăng thông dụng, quá trình đốt cháy bên trong động cơ diễn ra hiệu quả hơn, giúp tăng công suất động cơ, đồng thời giảm tiêu hao nhiên liệu.

Về các chỉ số an toàn, do chỉ số octane trong ethanol là 108-109, cao hơn so với xăng thông thường, nên chỉ số octane thành phẩm của xăng E5 sẽ rơi vào mức 93-94.

Đã nơi nào sử dụng xăng pha cồn chưa

Các loại hỗn hợp của E10 hoặc thấp hơn được sử dụng ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hoa Kỳ đã đi tiên phong trong việc pha ethanol làm chất phụ gia cho xăng, và được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ từ năm 2011. E10, hỗn hợp nhiên liệu 10% etanol khan và 90% có thể được sử dụng trong động cơ đốt trong của hầu hết các xe ô tô hiện đại và xe tải nhẹ mà không cần bất kỳ sự sửa đổi nào trên động cơ hoặc hệ thống nhiên liệu. Năm 2008 Thái Lan thậm chí đã sử dụng E10 và E20.

Các hỗn hợp từ E20 đến E25 đã được sử dụng ở Brazil kể từ cuối những năm 1970. E85 thường được sử dụng ở Mỹ và Châu Âu cho xe nhiên liệu linh hoạt. Hydroxanol hoặc E100 được sử dụng trong các loại xe ethanol gọn gàng của Braxin và các loại xe hạng nhẹ sử dụng nhiên liệu linh hoạt và E15 được gọi là hE15 cho xe ô tô chạy xăng hiện đại ở Hà Lan.

Thật ra, việc pha trộn cồn vào xăng đã được nghiên cứu trước cả pha chì vào xăng để tăng chỉ số octane. Nhưng công nghệ lúc bấy giờ chưa sản xuất được ethanol trên 99% nên không sử dụng được.

Sử dụng xăng E5 có nguy cơ gì không?


Hiện nay, đã có những nghiên cứu chứng minh xăng E5 hoàn toàn không hề thay đổi chất lượng trong thời gian 6 tháng, nên phương tiện không vận hành thường xuyên trong khoảng thời gian dưới 6 tháng thì hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng xăng E5 mà không sợ ảnh hưởng đến động cơ.

Đặc tính của cồn là có tính ngậm nước, đặc biệt thời tiết tại miền Bắc Việt Nam vào những tháng có độ ẩm cao có thể tạo ra nguy cơ cho xăng E5 bị ngậm nước. Tuy nhiên, vì cồn dùng để pha xăng là loại cồn có hàm lượng cồn 99,95%, tức là gần như là đạt đến độ tuyết đối 100% độ cồn, nên không thể có nước ở trong cồn được, vì vậy xăng E5 cũng không thể có nước trong nó.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, đối với các loại xe sử dụng động cơ trước năm 1993, acid trong xăng sinh học có thể gây ảnh hưởng đến các roăn (joint - tiếng Pháp) cao su, nhựa, polymer của động cơ. Nhưng từ năm 1993, các xe có động cơ được sản xuất bằng vật liệu đã được cải tiến nên sẽ không còn hiện tượng này. Do đó, acid trong xăng không thể gây ảnh hưởng lên động cơ. Hơn nữa, trong quá trình đốt, loại xăng này không hề gây ra một phản ứng phụ nào khác.

Chất lượng xăng E5 tại Việt Nam có đảm bảo tiêu chuẩn chung của thế giới không?

Nguyên liệu E100 cũng như RON 92 trước khi nhập kho đều được các công ty giám định độc lập (ví dụ như PV EIC và QUATEST) kiểm tra chất lượng sản phẩm, sản phẩm đạt chất lượng theo TCVN hiện hành chúng mới được nhập kho.

Sau đó, xăng E5 được pha chế tại các trạm pha chế được phân bổ tại các khu vực kinh doanh xăng E5. Sau khi pha chế, xăng E5 được các Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực là QUATEST 1 và 3 đánh giá và cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2009/BKHCN – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điêzen và Nhiên liệu Sinh học và sản phẩm xăng E5 sản xuất phải đảm bảo đạt Tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 8063:2009 – Xăng không chì pha 5% Etanol Yêu cầu kỹ thuật.

Như vậy, sảm phẩm xăng E5 trước khi sử dụng được kiểm soát rất chặt chẽ trong tất cả các khâu nhằm đảm bảo chất lượng xăng E5 đạt tiêu chuẩn chung của xăng E5 thế giới.

Đổ xen kẻ xăng E5 và xăng thông thường có ảnh hưởng đến động cơ xe hay không

Xăng sinh học E5 được sản xuất trên nền tảng đưa ethanol vào xăng truyền thống. Xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% ethanol khan. Các nguyên liệu này đều được giám định chất lượng bởi các trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trước khi nhập kho và đạt tiêu chuẩn VN. Do đó việc đổ xen kẻ hai loại xăng thương và xăng E5 sẽ không ảnh hưởng đến động cơ xe.

Địa chỉ Tham khảo

https://tinhte.vn/threads/thac-mac-ve-xang-a92-va-a95.869749/
https://www.otofun.net/threads/kien-thuc-chung-ve-xang.365/https://en.wikipedia.org/wiki/Engine_knocking
https://en.wikipedia.org/wiki/Octane_rating
https://en.wikipedia.org/wiki/Common_ethanol_fuel_mixtures#Modifications_to_engines
http://avtotrans-consultant.ru/2-benziny-avtomobilnye/
https://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%91%D0%B5%D0%BD%D0%B7%D0%B8%D0%BD
https://www.oto-hui.com/diendan/threads/tim-hieu-cac-loai-cam-bien-thong-dung-tren-xe-hop.70213/
http://avtotrans-consultant.ru/2-benziny-avtomobilnye/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG