Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Bàn về tính khoa học của việc cải cách Tiếng Việt theo TS Bùi Hiền


Thời gian gần đây, đề xuất cải tiến phụ âm 'Tiếq Việt' của TS Bùi Hiền đang trở thành đề tài nóng và nhiều ý kiến đả kích dữ dội. Nhiều người phản ứng thái quá bằng cách chửi, châm biếm, đả kích. Tôi cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất này trên Facebook. Có những người ủng hộ cho đề xuất đó hoặc đả phá cách phản ứng của xã hội bằng những lời lẽ khó nghe khiến tôi phải viết bài này. Một tiến sĩ Khoa học Khoa Ngữ văn phát biểu: “Đây là công trình khoa học. Phải có những nhà khoa học định đoạt, chứ không thể nào để một đám quần chúng không hiểu gì cả ào ào vào ném đá“. Một ý kiến khác trên Facebook còn viết "Sao lắm kẻ nông cạn thiếu hiểu biết. Vội phán xét...".

Ai cũng có quyền nêu quan điểm của mình, nhưng thái độ miệt thị cộng đồng khi họ phản ứng với đề xuất động chạm thô bạo đến tài sản chung của dân tộc (dù có những người hơi thái quá)  của những người được cho là hiểu biết khiến tôi cảm thấy bức xúc. Vốn dĩ không muốn tham gia tranh luận chuyện xã hội, dù không phải là nhà khoa học, cũng không phải là nhà ngôn ngữ học nhưng tôi cũng xin đặt vấn đề "Vậy đề xuất đó có xứng là một công trình khoa học hay không? có xứng là một chuyên đề ngôn ngữ học có giá trị không?" Tôi xin đưa ra một số điểm để giúp trả lời.

Đặt vấn đề
- TS Bùi Hiền cho rằng "Những thay đổi trong cách viết tiếng Việt hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, thậm chí khá hỗn loạn, khiến cho công năng và hiệu lực của chữ quốc ngữ, công cụ văn hóa - trí tuệ sắc bén nhất và mạnh nhất của người Việt bị giảm sút tới mức cần báo động." Không biết dựa vào đâu để ông đưa đến kết luận này. Theo tôi, cách viết tiếng Việt hiện nay đã ổn định tốt. Các văn bản, sách báo và trang tin chính thống đều thống nhất trong cách viết. Có chăng là một số từ do người viết kém hiểu biết và áp đặt trong sách giáo khoa và có lẽ Ts Bùi Hiền muốn nói tới ngôn ngữ do giới trẻ ngày nay thường dùng để trao đổi trên mạng xã hội hoặc tán gẫu, nhắn tin.
- Có một sự nhầm lần khi đặt vấn đề đó là Ts Bùi xem các chữ "fi-lê, fim, sun-fat, Ja-va, ja-ket, jăm-bông, jin, ben-zen, Đăk Lăk, crôm, gra-nit, krưm, prô-tit, sta-to, stơ-re-sơ, trô-pi-can... " và "a-di-da, sô-da, radio, video, gen, lô gich, logistic,…" là tiếng Việt. Trong khi đó là những danh từ riêng, những chữ vay mượn. Những chữ vay mượn này chưa được Việt hóa, không thể Việt hóa hoặc chưa thống nhất trong cách viết Việt hóa. Phần này xin bàn luận riêng sau.

Nền tảng cải tiến
- TS Bùi Hiền vẫn xác định bảng chữ cái chính là bảng chữ cái La tinh (latin). Nhưng khi đề xuất cải tiến thì lại phát âm theo cách riêng của TS Bùi Hiền. Thử hỏi nếu viết "QAQ" có ai dùng bảng chữ La tinh mà phát âm thành "NGANG".
- TS Bùi Hiền đề xuất thay phụ âm kép "KH" bằng "X". Như vậy chữ cái "X" được phát âm như chữ cái tiếng Nga, sử dụng chữ từ bảng chữ cái Kirin (Cyrillic). "XA" chỉ có thể phát âm thành "KHA" trong ngôn ngữ Slav (Xờ-la-vơ) chứ trong tiếng La tinh không ai phát âm như vậy. Vậy đây là chữ cái La tinh hay Kirin.
- Đề xuất bảng chữ cái mới của TS Bùi Hiền là cách viết quy ước và phá vỡ nguyên gốc chữ cái La tinh. Rõ ràng không thể coi là chữ viết chính thống được.

Kết quả dự kiến sau cải tiến
Phần này, tôi chỉ chủ yếu dựa trên việc TS Bùi Hiền đề xuất gom một số phụ âm đầu lại như CH với TR làm một, D, Gi, R làm một, C, Q, K làm một và S với X làm một.
- TS Bùi Hiền viết "Chữ quốc ngữ Việt Nam là chữ viết phiên âm chính thức duy nhất phù hợp với hệ thống ngữ âm chuẩn của tiếng Việt". Trong khi phát âm của người Việt (Kinh) thì các phụ âm trên là khác nhau thì làm sao gọi là phiên âm chuẩn khi gom chúng lại. Việc làm này chỉ làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt.
- Có chữ viết ra không biết phải phát âm theo kiểu nào. Ví dụ: Câu "XE QUA CUA (khúc ngoặt trên đường đi của xe cộ - từ điển tiếng Việt)" sẽ được viết lại "SE KUA KUA". Một chữ viết mà có hai cách đọc là CUA và QUA.
- Một chữ viết theo cách của TS Bùi Hiền thường phải đi trong ngữ cảnh mới có nghĩa: ví dụ ZỜI nếu viết độc lập chẳng có nghĩa gì vì chữ này đại diện cho 3 chữ DỜI (chuyển chỗ, dời non lấp biển), RỜI (tách lìa khỏi, lá rời cành) và GIỜI (động vật cùng họ với rết, còn có nghĩa là trời, trong vịt giời). Trong khi, trong tiếng Việt, đa số từ đơn âm là đã có nghĩa.
- Việc dùng chữ La tinh nhưng phát âm theo quy ước riêng khiến cho nhiều người dễ nhầm lẫn và phát âm khác nhau do vô ý hay cố tình những chữ viết đó. Ví dụ các chữ wuỷ /THỦY, cứq/TRỨNG.... Những từ ngữ này trên mạng đang nói rất nhiều.
- Một số từ lâu nay một số người hay viết nhầm lẫn (sai lỗi chính tả), giờ với cách viết của TS Bùi Hiền thì hiểu sao cũng được. Như vậy là làm tiếng Việt giảm giá trị của nó. Ví dụ CHÚT BỎ hay TRÚT BỎ, TRƯỚNG BỤNG hay CHƯỚNG BỤNG, XỬ LÝ hay SỬ LÝ, GIÀNH LẤY hay DÀNH LẤY, BÁNH DÀY hay BÁNH GIÀY... Rồi với cách làm này sẽ đến lúc sẽ có người đề xuất L (elờ), N (enờ) thành L, để N chứ không cần dùng N' thay cho NH (Nhà nước Việt Nam thành Nà lước Việt Lam) và nhiều kiểu khác nữa.
- Sự chưa hoàn thiện của bảng chữ cái mới khi phải tạm dùng N' thay cho NH đôi khi sẽ làm khó sử dụng được dấu móc đơn ('). Ví dụ trường hợp đoạn văn trong ngoặc được kết thúc bằng phụ âm NH.
- TS Bùi Hiền cho rằng cách viết mới "Loại bỏ được hầu hết thiếu sót, bất cập, không nhất quán trước đây thường gây khó khăn cho người dùng và rất dễ dẫn tới những lỗi chính tả không đáng có cho mọi người viết, nhất là giúp cho học sinh trút bỏ được nỗi ám ảnh vì lo sợ phạm lỗi". Nhưng thực ra khiến cho người ta ngày càng nhầm lẫn giữa các chữ nghĩa, chính tả chữ Việt sẽ bị hỗn loạn.
- Cải cách này liệu có đạt những lợi ích như TS Bùi Hiền đã nêu ra hay không xin quý vị tự suy diễn. Nhưng GS Nguyễn Lân Dũng đã nêu quan điểm là "Giả sử việc cải tiến chữ viết tiếng Việt của ông Bùi Hiền thành hiện thực thì cả một hệ thống Hiến pháp, sách giáo khoa, tài liệu công dân ở các cơ quan chức năng đều phải được tiến hành in lại. Kể cả đồng tiền quốc gia cũng phải được in và phát hành lại. Bản thân mỗi công dân Việt Nam cũng phải học lại từ đầu để nắm cấu trúc của chữ quốc ngữ mới. Chỉ phân tích đơn giản thế thôi đã thấy đề án này phi thực tế”. (trích từ https://laodong.vn/)

Bàn luật thêm
Có thể nói, sau hơn 350 năm hình thành và phát triển, đến nay chữ Việt đã hoàn thiện và không cần phải cải tiến. Chữ Việt có quy luật của nó mà nếu đã nắm rồi thì người viết không thể sai. Ví dụ đứng trước các nguyên âm I, E, Ê là phụ âm K và NGH và các nguyên âm còn lại là C và NG. Như vậy không thể viết NGÀNH thành NGHÀNH, CÔNG thành KÔNG được. Một số phụ âm không thể đứng sau được dù phát âm gần giống nhau như B không thay được P và K thay bằng C được. Có nhiều cải cách đã được đề xuất nhưng những cải cách lớn đều không được chấp nhận. Một số cải cách nhỏ bị ép buột áp dụng nhưng dần dà cũng thể hiện sự không phủ hợp của nó nên nhiều người không công nhận. Có thể nhắc lại đó là trường hợp đòi bỏ chữ Y và thay thế lại bằng I, UY cũng thay thành I. Một trường hợp khác là chữ THẦY bị thay thế thành THÀY (Bách khoa tự điển Việt Nam).

Như phần trên đã đề cập, hiện nay việc viết những danh từ riêng, những chữ vay mượn còn tùy tiện.
- Trước đây, chúng ta hay dùng cách phiên âm chữ Hán cho các tiếng nước ngoài để dùng cho tiếng Việt. Ví dụ Hoa Thịnh Đốn là cho Washington phát âm giống như 華盛頓 (Huáshèngdùn),  Mạc Tư Khoa - Moscow 莫斯科 (Mòsīkē), Tân Gia Ba - Singapore 新加坡 (Xīnjiāpō)... Đa số những danh từ riêng này ngày nay đã được để nguyên theo tiếng Anh. Một số từ đã được Việt hóa thì vẫn giữ lại cho đến nay như tên một số quốc gia Phú Lang Sa 富郎沙 (Fùláng shā) hay Pháp-lan-tây 法蘭西 (Fǎlánxī - France) đã Việt hóa thành Pháp, Anh Cát Lợi 英吉利 (Yīngjílì - English) thành Anh, Đức Ý Chí 德意 (Déyìzhì - Germany) thành Đức...
- Những chữ không thể Việt hóa thì để nguyên chữ như PIN (đèn pin), VIDEO. Nhóm này không thể xem là chữ Việt. Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, ngày sẽ càng có nhiều từ không thể dịch hay không tìm được từ ngữ tiếng Việt tương đương, buộc phải để 'nguyên' theo cách viết tiếng Anh, nhất là danh từ riêng.
- Những danh từ cần Việt hóa thì khi Việt hóa phải tôn trọng quy tắc viết chữ Việt. Không để tình trạng nửa Việt nửa La tinh. Ví dụ có thể viết Daklak hoặc Đắc-lắc chứ không thể viết Đắk-lắk. Chỉ viết Bắc Cạn, không chấp nhận Bắc Kạn. Krong Pa chứ không phải Krông Pa.

Thiết nghĩ, đây mới là lĩnh vực các nhà ngôn ngữ học cần nghiên cứu cải tổ, thống nhất.

Tham khảo 
Toàn bộ đề xuất cải tiến phụ âm 'Tiếq Việt' của PGS Bùi Hiền - Cải tiến CHỮ QUỐC NGỮ (phần I)
hoặc xem bản scan tại http://vietnamnet.vn/
Tóm tắt lịch sử chữ Quốc ngữ
Lịch sử chữ quốc ngữ - Đỗ Quang Chính
Tiếng Pháp trong từ ngữ thông dụng Việt Nam


Không còn gì để nói
Vào cuối tháng 12/2017, TS Bùi Hiền đã công bố phần II đề xuất cải cách "Tiếq Việt", sớm hơn so với công bố trước đó của chính ông. Phần này đã bổ sung thêm các nguyên âm. Nhiều người tiếp tục lên tiếng phản đối. Bản thân tôi không đọc hết phần II này, cũng không phân tích gì thêm. Chỉ phát hiện một điều rất phi khoa học trong phần II là chính tác giả cũng không xác định được chữ cái nào thay thế cho chữ cái nào. Cụ thể, trong phần I, tác giả Bùi Hiền dùng W thay thế cho TH và Q thay thế cho NG, nhưng qua phần II, TS Bùi Hiền lại dùng Q thay thế cho TH


nguồn: 
Hai lần chuyển đổi cùng một nghiên cứu lại khác nhau

Chẳng cần bàn cải hơn nữa. Bản thân nghiên cứu đã cho thấy nhà nghiên cứu đã tự thể hiện sự bất nhất trong nghiên cứu của mình thì rõ ràng tính khoa học của nghiên cứu này là rất kém. Nếu tác giả vẫn thấy mình đúng thì nên nghiên cứu thêm 10 - 20 năm nữa rồi hẵn công bố.

Vậy không cần tốn giấy mực và thời gian để nghiên cứu thêm đề xuất này nữa.

Tham khảo thêm
Toàn văn đề xuất cải tiến tiếng Việt của TS Bùi Hiền

1 nhận xét:

  1. Casino Review - Dr.MCD
    › casino-review-f › casino-review-f Casino Reviews & Ratings 문경 출장안마 for 영천 출장안마 Casino. 울산광역 출장안마 Rating: 0.1 1 통영 출장샵 vote 강릉 출장안마 $1000 Bonus Code: No code Required. Play Now!

    Trả lờiXóa

LÊN ĐẦU TRANG