Theo người nhà, gần 2 tháng nước, cô đã bị chó cắn vào tay phải. Cô đã tự sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Bốn ngày sau, con chó chết, tuy nhiên cô vẫn không tiêm phòng vắc xin dại vì nghĩ rằng con chó chết do bị viêm đường hô hấp trên.
Bệnh dại do đâu
Bệnh dại do virus dại Lyssavirus, một chi của virus RNA trong họ Rhabdoviridae gây nên. Loại virus này dễ bị phá hủy trong các chất dung môi của lipid và có thể bất hoạt ở nhiệt độ 56 ºC trong vòng 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 70 ºC.
Virus dại cũng bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2-5%. Nếu trong điều kiện lạnh 4 độ C, virus sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 0 độ C, sống được từ 3 - 4 năm.
Virus dại sẽ di chuyển dọc từ dây thần kinh tới tuỷ sống và lên não
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại đi dọc theo các đường thần kinh ngoại biên vào hệ thần kinh trung ương. Virus này thường lây nhiễm vào các tế bào cơ gần nhất với vị trí nhiễm trùng, nơi chúng có thể tái tạo mà không bị hệ miễn dịch của vật chủ 'nhận thấy'. Một khi đủ virus đã được nhân rộng, chúng bắt đầu liên kết với các thụ thể acetylcholine (p75NR) tại điểm nối thần kinh cơ. Sau đó, virus đi qua các sợi trục tế bào thần kinh thông qua vận chuyển ngược, rồi di chuyển đến hệ thống thần kinh trung ương. Trong giai đoạn này, virus không thể dễ dàng được phát hiện trong vật chủ, và tiêm chủng vẫn có thể có khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào để ngăn ngừa bệnh dại có triệu chứng. Do di chuyển chậm, thời gian ủ bệnh dại có thể từ 10 ngày đến 8 tuần hoặc có thể dài trên 1 năm.
Sau khi não bị nhiễm virus, virus di chuyển đến các hệ thống thần kinh ngoại vi và tự trị, cuối cùng di chuyển đến tuyến nước bọt, nơi nó đã sẵn sàng truyền đến vật chủ tiếp theo. Khi virus đến não, nó nhanh chóng gây ra viêm não, và gây ra các triệu chứng ban đầu. Virus dại làm tăng hoạt tính hệ NMDA và GABA, làm tăng khả năng nhận kích thích của tế bào não. Người bị nhiễm bệnh sẽ có những thay đổi hành vi. Lúc này, việc điều trị hầu như không bao giờ hiệu quả và tỷ lệ tử vong trên 99%.
Các thể bệnh
Bệnh dại có 2 thể bệnh chính: Thể viêm não và thể liệt.
- Thể viêm não: khởi đầu, bệnh nhân có cảm giác dị cảm nơi vết cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng do não bị tăng tính nhạy cảm, tăng khả năng nhận kích thích của tế bào não. Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước. Bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ. Mắt bệnh nhân sáng long sòng sọc do bị giãn đồng tử. Sau đó xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.
- Thể liệt: bệnh nhân sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân tử vong.
Tiêm ngừa dại
Dù rằng không phải ai bị chó dại cắn cũng bị bệnh dại. Nhưng chúng ta không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không. Trong khi, nếu chờ đến khi đã có triệu chứng, virus đã vào não, thì tử vong gần chắc chắn. Do đó, buộc phải đề phòng bằng cách tiêm vaccin phòng dại. Tiêm vaccin đòi hỏi phải có thời gian (từ 1 đến 2 tuần nếu tiêm đủ liều lượng, đúng kỹ thuật) để cơ thể hình thành được miễn dịch. Nếu tiêm muộn, có thể virus dại đã vào đến não và phát triển, gây tổn thương cho tế bào thần kinh thì dù có tiêm đủ liều vaccin cũng vô ích vì cơ thể chưa đủ thời gian tạo ra lượng kháng thể đủ để trung hòa được virus dại.
Lịch tiêm chủng cho từng trường hợp sẽ được tư vấn bởi bác sĩ tại cơ sở tiêm chủng. Theo hướng dẫn của WHO, lịch tiêm chủng tùy thuộc vào loại vaccin, lịch trình sau phơi nhiễm quy định liều tiêm bắp 1 ml hoặc 0,5 ml cho 4 đến 5 liều trong bốn tuần. Đối với những bệnh nhân tiếp xúc với bệnh dại trước đây đã trải qua tiêm chủng hoàn toàn trước khi phơi nhiễm hoặc điều trị sau phơi nhiễm với vaccin dại có nguồn gốc từ tế bào, chỉ cần tiêm bắp hai liều vaccin có nguồn gốc từ tế bào trong ba ngày và không cần đến tiêm globulin miễn nhiễm bệnh dại.
Có thể ngưng điều trị nếu động vật có liên quan (chó hoặc mèo) khỏe mạnh trong suốt thời gian quan sát là 10 ngày; hoặc nếu động vật bị giết một cách nhân đạo và phát hiện là âm tính với bệnh dại bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Làm gì khi bị chó/mèo cắn
Bệnh dại lây lan khi động vật bị nhiễm bệnh trầy xước hoặc cắn một con vật khác hoặc con người. Nước miếng từ động vật bị nhiễm bệnh cũng có thể truyền bệnh dại nếu nước bọt tiếp xúc với mắt, miệng hoặc mũi. Dù có nhiều động vật có vú có thể mắc và lây bệnh dại nhưng theo thống kê trên thế giới, chó là loài động vật phổ biến nhất có liên quan. Hơn 99% trường hợp bệnh dại là do chó cắn. Ở châu Mỹ, dơi cắn là nguồn lây nhiễm bệnh dại phổ biến hơn. Loài gặm nhấm rất hiếm khi bị nhiễm bệnh dại.
Thông thường, chúng ta hay chủ quan khi tiếp xúc với thú cưng của mình hoặc nhà người khác, thậm chí ngay cả khi bị cắn cũng chỉ rửa qua loa và không muốn tiêm ngừa vì sợ phiền, sợ tốn tiền hoặc sợ ảnh hưởng tới sức khỏe do tiêm ngừa...
Theo hướng dẫn của WHO có 3 mức độ tiếp xúc:
- Mức I: Khi người sờ hay cho súc vật ăn hoặc súc vật liếm trên da còn nguyên vẹn khuyến cáo không điều trị.
- Mức II: Khi súc vật gặm vùng da trần, những vết cào xước nhẹ không chảy máu hoặc liếm trên da có vết trầy khuyến cáo nên tiêm vaccin ngay và điều trị tại chỗ vết thương.
- Mức III: Khi có một hay nhiều vết cắn hay cào xuyên qua da, niêm mạc bị nhiễm nước dãi của súc vật khuyến cáo nên tiêm kháng huyết thanh và vaccin phòng dại ngay lập tức và điều trị tại chỗ vết thương.
Dự phòng sau phơi nhiễm: Điều này giúp ngăn chặn virus xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến tử vong sắp xảy ra. Khi một nạn nhân phơi nhiễm ở mức 2 và mức 3, ngay lập tức:
- Rửa rộng và điều trị tại chỗ vết thương càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc; rửa sạch và kỹ lưỡng trong tối thiểu 15 phút bằng xà phòng và nước, chất tẩy rửa, povidone iodine hoặc các chất khác giết chết virus bệnh dại. Tuyệt đối không được nặn máu vì động tác đó sẽ làm tổn thương thêm mô và làm virus dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể.
- Tiêm một vaccin bệnh dại mạnh và hiệu quả đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO;
- Tiêm globulin miễn dịch dại (huyết thanh kháng bệnh dại) trong vòng 72 giờ), nếu có chỉ định.
Ngoài tiêm ngừa dại, nạn nhân cũng cần tiêm ngừa uốn ván.
Trì hoãn tiêm phòng
Không trì hoãn:
Các trường hợp sau đây phải tiêm phòng ngay mà không nên theo dõi chó
- Vết cắn vùng đầu, mặt, cổ (gần hệ thần kinh trung ương), đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ
- Có nhiều vết cắn, vết cắn sâu
- Tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.
- Chó lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại.
- Không theo dõi được con chó đã cắn, hoặc chó đã bị giết chết
Những trường hợp chó đã được tiêm ngừa dại thì có thể không cần tiêm ngừa nhưng vẫn cần theo dõi như chưa được tiêm. Thế giới đã ghi nhận một số trường hợp vẫn bị dại dù đã tiêm ngừa.
Theo dõi chó
Trường hợp phải theo dõi con chó:
- Con chó vẫn sống bình thường khỏe mạnh.
- Không phát hiện bệnh dại ở súc vật trong khu vực.
- Vết cắn nhẹ, xa não.
- Vì lý do gì đó nạn nhân chưa tiêm phòng được
- Bị cắn ngoài quần jean, quần vải dày.
Việc theo dõi chó sau thời gian bị nó cắn là hết sức quan trọng để xác định chó có bị nhiễm dại hay không. Chó mắc bệnh dại thì sẽ phát cơn dại trong khoảng thời gian 7 đến 40 ngày, trung bình là 7- 10 ngày. Do vậy sau khi bị chó dại cắn bạn nên theo dõi con chó cắn và các biểu hiện trên cơ thể ít nhất 15 ngày.
Trong thời gian theo dõi, nếu con vật bị ốm, bỏ ăn, chết, mất tích hay bị bán, mổ thịt thì phải tiêm phòng dại ngay. Sau 15 ngày, nó vẫn sống khỏe mạnh thì thì không cần thiết tiêm vaccin dại.
Thời gian theo dõi chó dại cắn: Vẫn ăn uống bình thường nhưng cần chú ý
- Kiêng uống rượu, bia, chất kích thích như cà phê, thuốc lá.
- Không bôi, đắp thuốc hoặc lá cây lên vết thương
http://www.who.int/rabies/human/postexp/en/
http://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rabies
https://tiemchungdichvu.vn/20-cau-hoi-thuong-gap-ve-tiem-vac-xin-phong-dai
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tu-van-suc-khoe/benh-dai
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5752800/
https://en.wikipedia.org/wiki/Rabies
http://vncdc.gov.vn/vi/huong-dan-giam-sat-phong-chong-dich-benh/335/hoi-dap-ve-benh-dai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét