Rau ngổ là loại thân thảo, mềm xốp, chứa nhiều nước bên trong; phân bổ chủ yếu ở vùng ao hồ. Tên thường gọi khác là Rau om, Rau ôm, Ngò om, Ngổ hương, Ngổ thơm...
Tên khoa học: Limnophila aromatica (Lam) Merr (Ambulia aromatica Lam)
Họ: Plantaginaceae (mã đề), trước đây thuộc họ Hoa mõm sói - Scrophulariaceae.
Cây thảo hàng năm hoặc lâu năm, có nhiều nhánh nhỏ, thân xốp có nhiều lông, cao vài chục cm, nhẵn hoặc có tuyến, gốc nằm nghiêng và có rễ trên các đốt. Lá nhẵn, không cuống, mọc đối hoặc mọc thành ba vòng, hình trứng, hình mũi mác hoặc elip, bờ lá có răng cưa, gốc ít nhiều ôm lại, có gân hình lông chim. Rau ngổ có hai loại: ngổ 2 lá (mọc đối) và ngổ 3 lá (mọc vòng). Hoa có cuống, sắp xếp thành chùm ở đầu hoặc nách lá, hoặc nách lá đơn lẻ; tràng hoa màu trắng, xanh tím hoặc hồng, dài 10-13 mm, bên ngoài có tuyến thưa, bên trong có lông trắng; Kiểu đài hoa phình to ở đỉnh, có 2 đầu nhụy hình phiến rất ngắn. Quả nang hình trứng, dài khoảng 6 mm. Thời kỳ ra hoa và đậu quả từ tháng 3 đến tháng 9.
Limnophila aromatica A. Thân mọc vươn lên; B. Thân bò; C. Tràng hoa; D. Nhị hoa; E. Đài và nhụy; F. Quả nang; G. Hạt giống. |
Rau ngổ là một loại cây gia vị, lá non rau ngổ hay dùng ăn sống với phở hoặc nấu canh chua.
Trong rau ngổ có 92% nước, 2,1% protid, 1,2% glucid, 2,1% cenluloza, 0,8% tro, 0,29% vitamin B, 2,11% vitamin C, 2,11% caroten, có chứa nhiều tinh dầu (0,1%), chủ yếu là limonene, aldehyd perilla, monoterpenoid cetone, và cis-4-caranone, Z-ocimene, terpinolene, camphor, β-myrcene, caryophyllene, α-pinene, β- farnesene…ngoài ra còn có các nhóm hợp chất coumarine và flavonoid có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn.
Cần phân biệt với rau ngổ thuộc họ Cúc (Compositae) có tên khoa học Enhydra fluctuans Lour, còn có tên là ngổ thơm, ngổ trâu là một loại cây sống nổi hay ngập nước.
沼菊 Enydra fluctuans Lour. (http://www.zhiwutong.com) |
Công dụng
Rau ngổ có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, giải độc, tiêu thũng, trừ viêm, chống sưng, giảm đau, sát trùng đường ruột, làm thuốc lợi tiểu, trị sỏi thận, sốt nóng, chống lão hóa, ngừa ung thư... trị thủy thũng, viêm kết mạc, phong chẩn, thủy đậu, trị cơn đau quặn bụng.
Rau ngổ (Rice Paddy Herb/Herbe De Riz Paddy Frais) |
Rau ngổ có độc tính không đáng kể và độ sử dụng an toàn lớn. Các hợp chất phân lập cùng chiết xuất thô của rau ngổ có hoạt tính dược lý như lợi tiểu, dãn cơ trơn, chống co thắt, dãn mạch, tăng độ lọc cầu thận, long đờm, giải nhiệt và lợi sữa. Vì vậy, rau ngổ được xem là một vị thuốc giúp điều trị các bệnh như cảm sốt, bí trung tiện, bí đái, đái ra máu, vết thương chảy máu, băng huyết, thổ huyết, viêm tấy, ăn không tiêu, đầy bụng, tiêu chảy; phát ban, mụn rộp... Nhựa của lá được sử dụng để làm sạch vết thương và vết loét trên chân.
Tinh dầu từ rau ngổ có hoạt động diệt khuẩn chống lại Bacillus subtilis, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus tương tự như hoạt tính diệt khuẩn của streptomycin và chloramphenicol.
Bài thuốc
Tiểu ra máu
Dùng 10g rau ngổ và 10g cỏ tháp bút (cây mộc tặc), 10g rễ cỏ tranh đem rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem phơi vài nắng to cho khô. Khi dùng tẩm rượu sao vàng, sắc nước đặc chia uống 2 lần. Dùng mỗi ngày 1 thang.
Điều trị sỏi thận
Với khả năng làm giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận, giảm co thắt của cơ trơn, lợi tiểu,... rau ngổ có thể hỗ trợ điều trị sỏi thận thông qua việc làm tiêu nhỏ và hòa tan viên sỏi để dễ đào thải qua đường tiết niệu ra bên ngoài.
Cách 1: Lấy rau ngổ 50g, để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, pha thêm ít muối, uống làm một lần, ngày hai lần. Dùng 5 - 7 ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với râu bắp, mã đề, cối xay. Kiên trì thực hiện bài thuốc này có kết quả khá tốt.
Cách 2: dùng rau ngổ giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (uống liền trong 7 ngày).
Cách 3: dùng 50 - 100g rau ngổ tươi xay làm sinh tố uống mỗi ngày (uống trong 15 - 30 ngày) hoặc nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút để nguội rồi chắt lấy nước uống hàng ngày.
Điều trị sỏi túi mật
Chuẩn bị 100g rau ngổ, rửa thật sạch, cắt ngắn, dùng cối giã nát, vắt nước cốt, bỏ bã. Pha nước rau ngổ với 2 muỗng cà phê mật ong uống vào sáng sớm trước khi ăn 30 phút. Tùy theo tình trạng bệnh mà duy trì dùng thuốc đều đặn trong thời gian từ 10 – 15 ngày để thấy được hiệu quả.
Điều trị ho, sổ mũi và cảm cúm
Cách 1: dùng 20g rau ngổ tươi đem giã hoặc xay lấy nước uống.
Cách 2: Sắc 15g rau ngổ lấy nước uống, dùng 3 lần trong ngày.
Cách 3: 15 - 30g rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc lấy nước uống hằng ngày.
Điều trị ho kéo dài
Rửa sạch 50g rau ngổ tươi đem rửa sạch, để ráo sau đó giã nhuyễn hoặc xay và vắt lấy nước cốt. Bỏ thêm vài hạt muối hột vào quậy tan. Uống ngay khi vừa mới ngủ dậy vào buổi sáng sau khi thức giấc. Một liệu trình dùng thuốc có thể kéo dài từ 10 – 15 ngày.
Chữa chứng ra nhiều huyết trắng
Phụ nữ bị nhiễm nấm, vi khuẩn ở âm đạo thường ra nhiều huyết trắng có mùi hôi tanh và gây ngứa ngáy khó chịu. Để khắc phục tình trạng này, dân gian có các bài thuốc từ cây rau om như sau:
Cách 1: Xay nhuyễn 500g rau ngổ lấy nước uống. Dùng 2 ngày 1 lần
Cách 2: Dùng 500g rau om thái nhỏ, đem nấu với 3 chén ăn cơm nước cho đến khi nước cô đặc lại còn 1 chén. Gạn ra uống khi còn ấm.
Cách 3: 2 nắm rau ngổ, 3 nắm cỏ lông gà, 2 nắm lá ngải cứu, 1 nắm củ gấu, 1 nắm rễ bông trang trắng, 1 nắm cây muồng dẹt. Tất cả đem rửa sạch, sắc kỹ với 1,5 lít nước, chia uống vài lần trong ngày.
Điều trị viêm, sưng tấy hay mưng mủ trên da
rửa sạch rau ngổ rồi giã nát và đắp lên vùng da bị tổn thương.
Chữa chứng ban đỏ
dùng 20g rau ngổ, 20g dây vác tía, 10g măng sậy, 10g đọt tre mỡ 10g đem đi rửa sạch, để ráo rồi cắt nhỏ sau đó sắc lấy nước uống trong ngày.
Trị đái dầm, tiểu không tự chủ
Dùng rau ngổ, ngò gai (mùi tàu), cỏ mần trầu mỗi loại 20g và 10g cây cỏ sữa lá nhỏ; tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sắc với 400-500ml nước, đun trên lửa nhỏ cho đến khi nước trong ấm cạn còn khoảng 100ml, uống sau bữa ăn chiều. Dùng 3 - 4 lần.
Điều trị gout
Cách 1: Dùng 50g rau ngổ tươi mỗi ngày bằng cách ăn kèm với thức ăn.
Cách 2: Lấy 100g rau ngổ đem xay với 2 ly nước. Chia uống 3 lần trong ngày để hỗ trợ giảm đau, chống viêm trong các đợt gout cấp.
Cách 3: Kết hợp rau ngổ với râu bắp, hoa mã đề lượng bằng nhau. Sắc uống trong ngày thay cho trà để giảm acid uric máu.
Chữa suy gan, viêm gan C
Dùng 1 nắm rau ngổ, 1 nắm râu bắp và 1 nắm bông mã đề nấu nước uống. Thực hiện hàng ngày.
Trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu
Lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1.000ml nước còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
Chữa gan nhiễm mỡ
Cách 1: 100g rau ngổ đem phơi khô, sao vàng hạ thổ 3 lần, sau đó sắc cùng với 100g bạc hà tươi (dùng những cọng chưa tước vỏ) và 100ml nước lã trong 10 phút. Nên uống 1 lần vào buổi sáng, tốt hơn vào lúc đói. Sau khi uống 5 thang thì nghỉ 5 ngày, luân phiên cho đến khi bệnh gia giảm, tối đa 1 tháng (3 đợt tổng cộng). Trong thời gian sử dụng bài thuốc này để chữa gan nhiễm mỡ bằng rau ngổ, không sử dụng cùng các bài thuốc khác có vị bạc hà;
Cách 2: 100g rau ngổ đem phơi khô, sao vàng hạ thổ 1 lần, sắc 10 phút cùng với 50g bạc hà phơi khô, sau đó sao vàng hạ thổ 1 lần nữa trong 100ml nước, uống hàng ngày sau bữa ăn tối, liên tục trong 1 tháng. Lưu ý đối với bài thuốc này, nên kiêng ăn hải sản, cam, quýt, bưởi, nên ăn mãng cầu xiêm, lựu, hồng chín, sabôchê (trái hồng xiêm).
Thanh nhiệt và giải độc
Rửa sạch 100g rau ngổ rồi phơi khô sau đó sao vàng, hạ thổ cùng với 100g tàu bạc hà tươi trong 3 lần.
Đem hỗn hợp trên đi sắc cùng nước trong 10 phút. Chắt lấy nước uống vào trước bữa ăn sáng, cứ 5 ngày uống lại nghỉ 5 ngày và duy trì như vậy trong vòng 1 tháng.
Bài thuốc giải độc và thanh nhiệt cơ thể giúp cho đầu óc được minh mẫn, thoải mái, giảm và loại bỏ mụn, giảm chứng khó tiêu,...
Phòng và điều trị ung thư
Lấy 100g rau ngổ tươi và 100g lá mồng tơi non đem rửa sạch, để cho ráo nước sau đó giã nhuyễn và vắt lấy phần nước.
Cho vào phần nước đã thu được 5 muỗng canh giấm chuối rồi uống trước bữa ăn trưa.
Lưu ý: cần phải kiêng quýt, cam, bưởi, hồng chín, lựu, hải sản.
Điều trị Herpes
Rau ngổ tươi giã nát, chắt lấy nước cốt bôi lên tổn thương Herpes mảng tròn (hoặc bệnh ngoài da); kết hợp nấu nước rau ngổ để rửa hằng ngày.
Chú ý khi dùng rau ngổ
Rau ngổ có thể làm giãn cơ trơn do đó phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều để tránh sảy thai.
Do dùng tươi nên trước khi dùng cần rửa thật sạch, để tránh giun và ký sinh trùng, bạn nên ngâm rau ngổ với nước muối pha loãng, dung dịch thuốc tím hoặc nhúng vào nước ấm khoảng 45 độ C.
Không nên dùng quá nhiều rau ngổ mỗi ngày và trong một thời gian dài. Cần tham khảo ý kiến chuyên gia để biết được thời gian và liều lượng sử dụng phù hợp, có như vậy mới đạt được những lợi ích cho cơ thể.
Tài liệu tham khảo
https://suckhoedoisong.vn/rau-ngo-cay-rau-vi-thuoc-169211209202826878.htm
http://www.benhvienninhbinh.vn/rau-ngo-qua-tang-cua-thien-nhien-cho
https://sadita.vn/chi-tiet-tin/rau-om-ngo-om-limnophila-aromatica-369-10791.html
https://ejournal.sinica.edu.tw/bbas/content/1997/4/bot384-11.html
https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-rau-om
https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/su-thuc-ve-thao-duoc-rau-ngo-tra-xanh-tri-gan-nhiem-mo/
https://tienphong.vn/rau-ngo-chua-nhieu-benh-khong-phai-ai-cung-biet-post890074.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét