Thiên thần được nhắc đến bởi nhiều tôn giáo khác nhau. Thiên thần được coi là người trung gian giữa thế giới tâm linh và thể chất, đồng thời được cho là có sức mạnh và khả năng siêu nhiên. Theo Kinh thánh, các thiên thần cao cấp hơn con người, là các sứ giả của Thiên Chúa và bảo vệ con người. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo cũng xác định, “sự tồn tại của các hữu thể thiêng liêng, phi vật chất mà Thánh Kinh thường gọi là 'các thiên thần' là một chân lý của đức tin”. Kinh Thánh cho biết: “Thiên Chúa truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Tv 91:11-12).
Trong Kinh thánh Tân ước, sách Do thái cũng cho biết thiên thần ở khắp nơi: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.” Dù các thiên thần đã được đề cập nhiều trong Kinh Thánh và luôn hiện diện xung quanh chúng ta, vẫn còn nhiều điều huyền thoại về thiên thần không được ghi lại trong Kinh Thánh. Đôi khi, có thể đã có những sứ giả của Thiên Chúa xuất hiện trước mắt bạn mà bạn không nhận biết.
Các thiên thần thường được miêu tả có đôi cánh, biểu tượng cho khả năng vượt qua những giới hạn trần thế và du hành giữa các cõi. Thiên thần cũng thường gắn liền với ánh sáng, sự tinh khiết và lòng tốt, đồng thời được cho là mang lại sự thoải mái và chữa lành cho những người gặp khó khăn.
Thiên thần trong Do thái giáo
Nói đến Kitô giáo thì phải nói đến đạo Do Thái. Trong Kinh Cựu ước của Do Thái giáo, các thiên thần (tiếng Do Thái : מַלְאָךְ - mal'akh) là đại diện của Thiên Chúa của Israel, là "Thiên sứ của Thiên Chúa", vừa là con người vừa là thần thánh. Các Thiên thần được phân theo 10 thứ bậc khác nhau. Tuy nhiên việc sắp xếp thứ tự không thống nhất tùy theo văn.
Thứ hạng |
Lớp thiên thần |
||
Maseket Atzilut |
Berit Menuchah |
Reshit Chochmah |
|
1 |
Seraphim | Erelim | Chayot Ha Kodesh |
2 |
Ophanim | Ishim | Ophanim |
3 |
Cherubim | Bene Elohim | Seraphim |
4 |
Shinanim | Malakim | Cherubim |
5 |
Tarshishim | Hashmallim | Erelim |
6 |
Ishim | Tarshishim | Tarshishim |
7 |
Hashmallim | Shinnanim | Hashmallim |
8 |
Malakim | Cherubim | Elim |
9 |
Bene Elohim | Ophanim | Malakim |
10 |
Erelim | Seraphim | Ishim |
Thiên thần theo Kitô giáo
Theo quan niệm Kitô giáo, thiên thần là những tạo vật vô hình do Thiên Chúa tạo ra để phụng sự cho các thánh ý của Người. Tất cả các thiên thần làm việc như là sứ giả của Thiên Chúa cho mọi người theo một cách nào đó. Kinh Thánh không có đoạn riêng nào đề cập đến các cấp bậc thiên thần, nhưng có những phần nói tới phẩm trật thiên thần. Vào thời Trung Cổ, đã có nhiều nhà thần học cố gắng phân loại ra các cấp bậc thiên thần trên thiên đàng. Trong số đó, một nhà triết học và nhà thần học Kitô giáo sống vào cuối thế kỷ thứ V, đó là Dionysius. Danh tính thực sự của Dionysius vẫn là một vấn đề tranh cãi và không được xác định rõ ràng. Ông được cho là đã viết các tác phẩm như "De Cœlesti Hierarchia" và "De Divinis Nominibus", trong đó ông trình bày về các khái niệm về thiên sứ và các bậc thiên thần. Dionysius chia thiên sứ thành ba cấp, mỗi cấp gồm ba bậc, tất thảy thành chín bậc gọi là cửu phẩm thiên sứ.
Cửu phẩm Thiên thần
Cấp I
Nhóm các Thiên thần cấp I không bao giờ ngủ mà canh giữ cho ngai tòa của Thiên Chúa.
1. Bậc thứ nhất: Seraphim (שְׂרָפִים) - Thiên sứ Tối cao - Luyến Thần - Những người cháy rực
Cao nhất trong chín phẩm thiên thần là Seraphim (Luyến Thần, Thần Sốt Mến). Các thiên thần đặc biệt này luôn chầu trước Ngai Thiên Chúa, chủ yếu làm nhiệm vụ thờ phượng Thiên Chúa. Họ là những tạo vật kề cận Thiên Chúa nhất.
Theo mô tả trong Kinh Thánh, sách Isaia, Seraphim chúc tụng Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”. Seraphim có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các Luyến thần thường xuyên cháy sáng khiến ánh sáng phát ra từ họ sáng chói đến nỗi không một ai, thậm chí là các thiên thần khác, có thể nhìn trực tiếp được. Khi Luyến thần truyền đạt thông điệp, hiệu ứng rất mãnh liệt vì lòng sốt mến cực độ của họ.
Isaiah and the Seraphim |
Có hai Luyến thần được nhắc tên là Seraphiel và Metatron. Cách giao tiếp của Seraphiel trộn lẫn cả nỗi đau và niềm vui khi ngài thực hiện việc thanh tẩy của mình trong tâm hồn con người. Seraphiel truyền cảm hứng cho mọi người trở nên tràn ngập tình yêu thuần khiết của Chúa.
2. Bậc thứ hai: Cherubim (כְּרוּבִים) - Thiên sứ Thánh - Minh Thần - Những người bảo vệ
Cherubim là những thiên thần bảo vệ ngai Thiên Chúa và cũng có nhiệm vụ canh giữ đường đến cây Trường Sinh trong Vườn Địa Đàng.
Khi dân Do Thái rốn chạy khỏi Ai-cập, ông Môsê cho làm hòm bia của Thiên Chúa và đúc hai tượng Cherubim bằng vàng đặt ở đầu của hòm bia. Chính từ đó mà Thiên Chúa đã ban sấm ngôn (Xh 25,18-22; 37,7; Ds 7,89). Vì thế mà có thành ngữ "Thiên Chúa ngự trên các Cherubim" (1Sam 4,4; 2 Sam 6,2; Is 37,16).
Khi vua Salomon xây cất đền thờ tại Giêrusalem, ông cũng duy trì tập tục đó, tạc hai tượng Cherubim bằng gỗ ôliu chạm vàng, đứng hai bên cạnh hòm bia, phủ cánh che rợp hòm bia (1V 6 23-28). Các Minh thần có vẻ ngoài giống con người, có hai cánh và bảo vệ vinh quang Thiên Chúa. Họ là các thiên thần hộ giá và đứng đầu trong phẩm trật thiên thần vì luôn kề cạnh bên Thiên Chúa.
Hình dáng của các Minh thần được miêu tả trong sách Êdêkien 1: 5-12 theo thị kiến của nhà tiên tri này như sau: "Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh. Còn chân của chúng thì thẳng; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế. Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến. Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình. Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau."
3. Bậc thứ ba: Thrones và Ofanim - Thiên sứ Quyền năng - Bệ Thần/Ngai Thần - Những người ngồi trên ngai vàng
Thrones - Ngai Thần, là những thực thể nâng đỡ ngai tòa Thiên Chúa. Ophanim - Bệ Thần là những bánh xe rực lửa dưới ngai tòa. Cùng với Luyến Thần Seraphim và Minh Thần Cherubim, các Bệ Thần và Ngai Thần không bao giờ nghỉ ngơi mà luôn canh giữ cho ngai tòa của Thiên Chúa.
Theo Kinh thánh, các Ophanim được miêu tả dưới hình dạng những bánh xe, có nhiều mắt trên vành bánh; Ngai thần có hình dáng là chiếc ngai vàng. Các thiên thần này biểu tượng cho công lý và quyền uy của Thiên Chúa. Bệ Thần là các thiên thần của sự khiêm nhường, sự bình an và sự phục tùng.
Cấp II
Cấp hai là nhóm các thiên sứ làm việc như những vị quản trị thiên đàng và phụ trách các vật thụ tạo.
4. Bậc thứ tư: Dominions - Thiên sứ Chúa tể - Quản Thần - Những người cai trị
Các Quản Thần có nhiệm vụ giữ gìn vũ trụ theo đúng quỹ đạo. Họ phù hộ cho các nhà cầm quyền của các quốc gia, họ giữ sự cân bằng, ổn định cho cả thế giới. Các Quản Thần đem công lý của Thiên Chúa tới những nơi bất công, tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa với con người, và điều phối hoạt động của các thiên sứ cấp dưới, giúp các thiên thần cấp dưới thi hành nhiệm vụ hiệu quả.
Quản thần được miêu tả với hình dạng giống như thần linh xinh đẹp, có đôi cánh lông vũ như hình tượng chung của các thiên thần nhưng sáng chói hơn nhiều lần. Họ có thể cầm những vật dụng đẹp và có hào quang phát ra từ đầu, quyền trượng và kiếm.
5. Bậc thứ năm: Virtues - Thiên sứ Quyền lực - Dũng Thần - Những người có năng lực
Virtutes có nghĩa là quyền năng, sức mạnh và uy lực. Các Dũng thần có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để đảm bảo rằng vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên, kiểm soát các yếu tố, giúp điều khiển thiên nhiên, các phép lạ, khuyến khích con người giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa. Dũng thần là các thiên thần luôn sẵn sàng, dũng cảm thi hành những việc phi thường.
Không có mô tả cụ thể nào về hình dáng cụ thể của các Dũng thần.
6. Bậc thứ sáu: Powers - Thiên sứ Quyền uy - Quyền Thần - Những người có quyền uy
Quyền thần giám sát sự phân chia năng lực giữa nhân loại, giữ vững ranh giới giữa thiên đàng và trần gian. Các Quyền thần được coi là Thiên thần Chiến binh vì họ chiến thắng sự dữ, không chỉ vũ trụ mà cả con người nữa. Được gọi là Quyền Thần vì họ có quyền trên ma quỷ, ngăn cản sức mạnh của chúng, trực tiếp chiến đấu trừ khử các thế lực đen tối, ma quỷ. Họ cũng giúp con người đấu tranh với các đam mê và tật xấu để từ bỏ những gì kẻ thù xúi giục.
Quyền thần mang hình dạng rực rỡ màu sắc và sương khói mờ ảo, mặc giáp trụ, cầm vũ khí gươm giáo hoặc xiềng xích.
Cấp III
Những thiên thần cấp III hoạt động như là sứ giả của Thiên Chúa hoặc là đạo binh thiên quốc.
7. Bậc thứ bảy: Principalities - Thiên sứ Hiển vinh - Lãnh Thần - Những người có vị trí quan trọng
Các Lãnh Thần có quyền trên các thiên thần cấp dưới và điều khiển họ hoàn thành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Các Lãnh thần còn được gọi là Hoàng thân hoặc Người Cai trị vì họ trực tiếp theo dõi các nhóm lớn và các tổ chức, kể cả các quốc gia và Giáo Hội, đồng thời bảo đảm việc hoàn thành Thiên Ý. Quyền năng của họ như Quản thần Dominationes nhưng chỉ có thể hoạt động ở phạm vi thấp hơn. Các thiên thần này khôn ngoan và quyền lực nhưng ở khoảng cách xa Thiên Chúa nhất trong các phẩm trật thiên thần để họ có thể giao tiếp với con người bằng những cách mà chúng ta có thể hiểu.
Lãnh thần được tạo hình có đội một vương miện và mang theo một cây gậy. Nhiệm vụ của họ là thực hiện tấn phong cho các lãnh chúa xứ sở và gìn giữ thế giới vật chất, giám sát các nhóm người. Họ là những quan thầy và bảo hộ cho các vương quốc trên Trái Đất. Ngoài ra, Lãnh thần còn truyền cảm hứng và tư tưởng cho chúng sinh trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học.
8. Bậc thứ tám: Archangels (רַב־מַלְאָך "rav‘mal'ákh") - Tổng Thần - Những người sứ giả trên cao
Các Tổng thần, hay thường gọi là Tổng Lãnh Thiên thần là những sứ giả Tin mừng vì họ được Thiên Chúa sai loan báo các sứ điệp quan trọng cho loài người. Ba Tổng Lãnh Thiên thần hay được nhắc tới và có lễ kính riêng vào ngày 29/9 là Micae, Raphael và Gabriel. Ba Tổng thần được nhắc đến rõ ràng trong Kinh thánh. Tổng thần Micae (Michael) được biết nhiều với vai trò trục xuất Luciphe khỏi Thiên Đàng, là vị Thiên thần dẫn đầu đội binh Thiên thần bảo vệ, canh giữ Giáo Hội khỏi ma quỷ. Tổng thần Gabriel à Sứ thần trao sứ điệp mầu nhiệm của Thiên Chúa với ông Giacaria và Đức Maria. Tổng thần Raphael được đề cập trong sách Tobia, chữa lành ông Tobit và giải thoát bà Sara khỏi ma quỷ.
Các Tổng Lãnh Thiên Thần có cấp phẩm không cao như chúng ta tưởng. Tuy nhiên, các Tổng Lãnh Thiên Thần lại bao gồm những cái tên nổi tiếng nhất vì gần gũi với con người.
Nhắc tới các tổng thần phải nhắc đến Lucifer. Lucifer vốn dĩ là một Seraphim cũng như Tổng lãnh thiên thần đầu tiên và có quyền năng tối thượng nhất. Lucifer đã có khả năng sáng tạo, cùng năng lực hồi phục, tái tạo… Tuy nhiên, do kiêu nạo, Lucifer tự coi mình ngồi trên vị trí lãnh chúa của mọi thứ, trên mọi đỉnh cao nhất của mọi ngọn núi linh thiêng nhất và sẽ như Đấng Tối Cao. Thiên Chúa cho Tổng lãnh thiên thần Michael chống lại Lucifer, đó là cuộc chiến giữa Thánh Sứ và Đọa Sứ . Với quyền lực Chúa ban cho, Michael cùng các Thiên thần trung thành nhanh chóng chiến thắng Lucifer và các thiên thần phản nghịch và bị đày xuống địa ngục, hắn đã trở thành ác quỷ và mất đi tất cả các quyền năng trước đây. (xem thêm Cuộc chiến Thiên đường)
Trong Sách Tôbia có chép, Tổng thần Raphael nói với Tôbia rằng ông là "một trong bảy người hầu cận trước mặt Chúa". Bảy người hầu cận trước mặt Chúa, còn được gọi là Bảy Vị Thiên Thần Đứng Trước Ngai Vàng, cũng là những vị đứng đầu các đạo binh thiên thần chống lại Lucifer bao gồm:
1. Michael - Thiên sứ chiến tranh và bảo vệ.
2. Gabriel - Thiên sứ thông báo và truyền tin.
3. Raphael - Thiên sứ sức khỏe và sự chữa lành.
4. Uriel - Thiên sứ ánh sáng và sự sáng tạo.
5. Selaphiel - Thiên sứ cầu nguyện và tôn kính.
6. Jegudiel - Thiên sứ chỉ đạo và hướng dẫn.
7. Barachiel - Thiên sứ phù trợ và ban phước.
Cũng có quan điểm khác tên bảy vị đó là Michael, Gabriel, Uriel, Chamuel (Camael), Raphael, Jophiel, and Zadkiel. Thế kỷ VIII, Kitô giáo được cảnh báo về lòng sùng kính thái quá mà nhiều người dành cho các thiên thần. Vì lý do nào đó, năm 145, riều đại Đức Giáo Hoàng Zachary, Hội đồng La Mã truyền lệnh bỏ tên 7 Tổng Lãnh Thiên Thần ra khỏi danh sách các Tổng Lãnh Thiên Thần của Giáo Hội và từ đó chỉ còn 3 tổng lãnh thiên thần được nhắc đến là Michael, Gabriel và Raphael.
9. Bậc thứ chín: Angels (מַלְאָכִים mal'akhim) - Thiên sứ - Thiên Thần - Những người truyền đạt
Đây là cấp thấp nhất trong cửu phẩm Thiên thần và được biết đến nhiều nhất. Họ là những tạo vật theo dõi loài người, chuyển cầu lên Thiên Chúa và chuyển sứ điệp khác cho con người trên thế gian. Thiên thần bản mệnh là thiên thần theo dõi và hướng dẫn cho mỗi cá nhân.
Tham khảo
https://www.behance.net/gallery
https://www.mindmaestro.co.uk/angel-art
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét