Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Bài học trực quan về lòng yêu thương

(Suy niệm Tin Mừng Luca (Lc 10, 25-37) trích đọc vào Chúa Nhật 15 thường niên)

Tại một khúc đường vắng trên con đường từ Giê-ru-sa-lem đến Giê-ri-cô có một khách bộ hành bị trọng thương đang quằn quại rên siết. Khúc đường này xưa nay vẫn thường xảy ra những vụ cướp của giết người nghiêm trọng. Hẳn đây lại là một nạn nhân khác do bọn cướp gây ra.



Một hy vọng lóe lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang tiến lại gần. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị Tư Tế. Ngài vốn thông làu lề luật yêu thương, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh ta. Nhưng rồi vị Tư Tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên mà đi thẳng, để mặc anh nằm đó.

Một lát sau, có một thầy Lê-vi đi qua, vị nầy đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, nhưng rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh, có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn lảng vảng đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia. Thôi, khôn hồn thì rảo bước cho nhanh, mau qua khỏi nơi nguy hiểm nầy.

Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp đâu đây vọng lại, rồi vị khách đi đường thứ ba xuất hiện. Đây là người dân Sa-ma-ri. Chẳng hy vọng gì nơi hạng người như thế, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là quân lạc đạo chẳng ra gì.


Thế nhưng, người Sa-ma-ri nầy lại cho lừa dừng lại, bước xuống cúi mình trên nạn nhân, cảm thương thân phận người xấu số. Ông mở hành trang lấy rượu rửa sạch vết thương, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay trở về quán trọ. Đến nơi, ông lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như lo cho người thân yêu của mình. Sáng hôm sau, vì công việc gấp rút đòi buộc, ông phải vội lên đường; nhưng trước khi ra đi, ông trao tiền cho chủ quán và dặn dò: "Xin ông lo chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông".

Điều tuyệt vời nơi con người nhân ái nầy là đức tính sẵn sàng phục vụ. Phục vụ tức thời không so đo tính toán. Phục vụ bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đang lúc phải đi về Giê-ri-cô cho nhanh trước khi trời tối, mà phải dừng lại tại một nơi không ngờ trước, bày tỏ tình thương mến một nạn nhân xa lạ bằng những chăm sóc hết sức ân cần chu đáo, bất chấp hiểm nguy cho tính mạng mình, chấp nhận mất mát thời giờ, tiền của, đành để cho vợ con chờ đợi sốt ruột ở nhà, gác bỏ qua bên bao nhiêu công việc cấp bách… thì đây quả là một con người hy sinh cao thượng hiếm có.


Bài dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành nầy đáng được xem là tinh hoa của lề luật, là cốt tuỷ của nền luân lý ki-tô giáo, là minh hoạ hay nhất cho lề luật yêu thương, là tấm gương soi cho tất cả những người con cái Chúa.

Giữ luật yêu thương không chỉ là tâm niệm luật ấy trong lòng đêm ngày như những kinh sư và biệt phái. Giữ luật yêu thương không phải là lặp lại luật ấy trên môi, đeo câu luật yêu thương trên tay, trên trán hay dán lên khung cửa ra vào như những người Do-thái xưa kia thường làm.

Nhưng giữ luật yêu thương chủ yếu là cúi xuống trên những mảnh đời bất hạnh để ủi an chăm sóc, là chia cơm sẻ áo, là trở thành người tôi tớ phục vụ tha nhân bất cứ khi nào họ cần.

Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là bậc Thầy khôn ngoan lỗi lạc. Qua bài Tin Mừng nầy, Chúa dạy chúng con  một bài học trực quan rất sinh động về yêu thương: yêu thương là cúi xuống chăm sóc người bất hạnh bất cứ lúc nào, bất kể nơi nào, như người Sa-ma-ri đã thực hiện.

Xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng yêu mến. Tin Chúa hiện diện nơi mọi người, đặc biệt là nơi những người cùng khổ và đem hết khả năng để phục vụ và yêu mến họ, vì khi thực hành như thế là chúng con đang làm cho chính Chúa.

Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG