Hôm ấy, các đệ tử của Thầy hăng say thảo luận về nguyên
nhân đau khổ của nhân loại. Người thì nói là do lòng tham vô đáy của con người thúc
đẩy, kẻ thì cho là do tính ích kỷ thâm căn cố đế hoặc tính kiêu căng và óc
thống trị xui khiến, một số khác cho là do sự chia rẽ chủng tộc hay tôn giáo
phát sinh…
Sau cùng, các đệ tử quay sang hỏi ý kiến Thầy, Thầy nói: “Mọi đau khổ đến từ việc con người thiếu khả năng ngồi yên
lặng một mình để lắng nghe...” (Phỏng theo Cha Anthony de Mello)
Yên lặng để lắng nghe! Để nghe Chúa nói, để nghe lời khôn
ngoan… Đó cũng là điều mà Cô Maria thể hiện qua đoạn Tin Mừng hôm nay.
Hôm ấy, Chúa Giê-su đến thăm gia đình Mác-ta. Mác-ta tất
bật lo việc nấu dọn để hầu hạ Chúa, hy vọng Chúa sẽ rất hài lòng về sự tiếp đãi
ân cần, chu đáo và tận tình như thế. Vậy mà Chúa Giê-su lại đề cao thái độ chăm chú lắng nghe
của Maria hơn và trách Mác-ta: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn
khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã
chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10, 41-42)
Nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giê-su khẳng định với mọi
người rằng lắng nghe và thi hành Lời Chúa là điều tối cần thiết và quan trọng
nhất.
Lắng nghe Lời Chúa là chuyện cần thiết nhất vì Lời Chúa là
đèn soi cho loài người tiến bước trong đêm tối và vượt qua bao giông tố của
cuộc đời. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con
đi.” (Thánh vịnh 119,105). Nhờ ngọn đèn nầy, người lầm lạc thấy được chân lý,
người tội lỗi được hoán cải để sống đời thánh thiện, người thất vọng được tìm
thấy niềm tin và hy vọng tràn trề... Thiếu Lời Chúa, nhân loại như đang chìm
trong tối tăm.
Một chiếc xe vượt qua nhiều đoạn đường đèo quanh co, cheo
leo hiểm trở trong đêm tối mà xe lại chạy không đèn thì chắc chắn sẽ lao xuống
vực. Đời người với bao nhiêu thăng trầm thách thức của cuộc sống khác gì chiếc
xe vượt đèo kia, nếu không được ánh sáng của Lời Chúa soi dẫn, thì sẽ không
thoát khỏi tai ương.
Đối với những ai biết đón nhận Lời Chúa và nhận lấy ánh
sáng Lời Chúa soi dẫn cho hành động, người ấy sẽ đạt được những thành quả tốt
đẹp trong đời mình.
Lời Chúa thật sự đã mang lại giải pháp tối ưu cho mọi vấn
đề của cuộc sống
Trong thời kỳ đất nước Việt Nam của chúng ta bị đặt dưới ách đô
hộ của người Pháp thì tại nam Á, một quốc gia khác to lớn hơn nhiều cũng bị đặt
dưới ách thống trị của người Anh. Đó là quốc gia Ấn-độ. Đế quốc Anh cũng hùng
cường không thua kém gì đế quốc Pháp. Cả nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Ấn đều đứng lên để lật đổ chế độ
thực dân và giành độc lập cho xứ sở mình.
Trong cuộc đấu tranh này, nhân dân Việt Nam phải dùng
đến bạo lực, đến khí giới và đã trả giá cho nền độc lập bằng vô vàn sinh mạng
và máu xương! Trong khi đó, tại Ấn-độ, dưới tài lãnh đạo của thánh Gandhi
[i],
vị anh hùng của nhân dân Ấn và là người được dân Ấn gọi là thánh, người dân Ấn
đấu tranh bằng đường lối ôn hoà bất bạo động mà thánh Gandhi học được từ Tin
Mừng của Chúa Giê-su: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các ngươi…
Ai vả má bên nầy thì hãy chìa má bên kia ra…” (Luca 6, 27-28)
Bằng đường lối bất bạo động học từ Tin Mừng của Chúa
Giê-su, Gandhi và nhân dân Ấn-độ đã lật đổ được đế quốc Anh, bẻ gảy ách thống
trị của người Anh, giành lại độc lập cho quê hương xứ sở mà không cần đến khí
giới.
Vài chục năm sau, tại đất nước Hoa-kỳ, Mục sư Martin Luther
King [ii]
cũng đã dùng Lời Chúa soi sáng cho cuộc đấu tranh bất bạo động của mình, và ông
đã đạt được thắng lợi vẻ vang, buộc người da trắng nhìn nhận, tôn trọng quyền
lợi và phẩm giá của người da đen mà không cần đến khí giới.
Như thế, Lời Chúa quả đã đem lại những giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề và thách thức trong cuộc sống.
Hôm nay, Chúa Giê-su lại đem Tin Mừng của Ngài trao tặng
miễn phí cho chúng ta để làm đèn soi cho chúng ta trong cuộc sống nhiều mây mù
u tối này. Cuộc đời chúng ta như những chuyến xe phải vượt những chặng
đường đèo cheo leo hiểm trở giữa màn đêm. Lời Chúa vẫn mãi mãi là đèn soi dẫn.
Ước gì chúng ta đón nhận Lời Chúa để soi sáng cho hành trình sắp tới của cuộc
đời chúng ta.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
[i]
Ông Gandhi (1869- 1948) chịu ảnh
hưởng lớn bởi giáo lý bất kháng cự (nonresistance) và "đưa má thứ
hai" ra (khi bị đánh một bên má) của Thiên Chúa giáo. Ông nói là nếu Thiên
Chúa giáo được áp dụng như trong Bài giảng trên núi thì ông là một tín đồ Thiên
Chúa giáo.
(nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/)
[ii]
Martin Luther King (1929
–1968) là mục sư Baptist, nhận giải
Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn
nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo
động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà
kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.
Ngày 30 tháng 1 năm 1956, nhà riêng của King bị đánh bom. Một
đám đông những người da đen ủng hộ ông tỏ ra giận dữ tụ tập trên con đường trước
ngôi nhà, tự vũ trang với dao, súng, gậy gộc, đá và chai lọ để trả thù cho ông.
Song King nói với họ, “Đừng hốt hoảng, đừng làm bất kỳ điều gì trong sự giận
hoảng! Ai có vũ khí, xin hãy đem về, ai không có vũ khí, xin đừng thủ đắc
chúng. Chúng ta không thể giải quyết vấn nạn này bằng những vụ bạo động trả
đũa... Chúng ta phải yêu thương những người anh em da trắng bất kể họ đã làm gì
đối với chúng ta. Chúng ta phải hành động để họ biết rằng chúng ta yêu họ. Lời
dạy của Chúa Giê-su vẫn còn vang vọng đến hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù mình, chúc
phúc cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.” (Lc 6,27-28) Đó là
điều chúng ta phải làm. Chúng ta phải lấy tình yêu mà đáp trả lòng thù hận.”
(nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét