Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Nhật ký cho con: Ba tháng cuối - Chuẩn bị chào đón

Đặt tên
Việc đặt tên cho các con là cả một thời gian dài. Ngay từ khi Mẹ mang thai, Ba và Mẹ đã bàn tới chuyện này. Trong đại gia đình mình, việc đặt tên khởi đầu bằng Nguyễn Tôn dường như là một thông lệ. Nhà bác Bang đặt tên con là Nguyễn Tôn Kinh Luân. Con đầu lòng nhà bác Kha là chị Nguyên Tôn Anh Thư. Con của chú Tài là Nguyễn Tôn Minh Thiên... Đây gần như là cách để xây dựng dòng tộc và để anh em sau này dễ nhận ra nhau. Trừ nhà cô Tuyến, do là bên ngoại nên không đặt họ Nguyễn Tôn cho con.

Ba cũng muốn họ các con cũng là Nguyễn Tôn. Nhưng Mẹ lại muốn rằng họ Trần của Mẹ cũng phải có trong tên các con. Điều Mẹ mong muốn và yêu cầu là hết sức hợp lý và bình thường. Vì ngay cả họ Nguyễn Tôn cũng ghép từ họ của ôn Nội và họ của mệ Nội. Tất nhiên Ba có hơi buồn vì tên các con đặt theo cách này sẽ rất dễ bị "đụng hàng" và không giữ được mong ước tạo ra một họ tộc Nguyễn Tôn riêng. Dù sao công sức Mẹ đổ ra rất nhiều, không có họ Mẹ trong tên các con cũng là o ép Mẹ. Ba quyết định sẽ đặt họ Nguyễn Trần cho Mẹ vui.

Vậy là đã quyết định họ Nguyễn Trần.

Tên thì vô vàng tên hay, tên đẹp cho con gái. Ba tự đưa ra một quy định:

1- Chữ lót sẽ theo luật từ ôn Nội. Kinh là chữ lót của thế hệ Ba, các con sẽ lót là Kinh, như nhà hai bác đã thực hiện; hoặc Linh, hoặc Ninh. Theo hướng này thì nhà chú Tài đã lót tên hai con của chú là Minh (Minh Thiên và Minh Nhiên)

2- Tên và chữ lót sẽ không có dấu để khi viết theo tiếng Anh cũng không sao.

3- Ưu tiên cho Mẹ chọn một tên

4- Tên của các con tốt nhất là khởi đầu bằng chữ cái như tên Mẹ (N) hoặc như tên Ba (T). Có thể là một theo tên Ba, một theo tên Mẹ.

Đã từ lâu, Mẹ thích tên con sẽ là Nhi, hoặc Mai hoặc cả hai. Theo quy định thứ 4, Ba chọn tên Nhi làm tên ưu tiên một.

Linh hay Ninh: Ninh thì có nghĩa là người Ninh Thuận. Vậy là nghe ổn. Nhưng khi ghép thành Ninh Nhi, tên lạ và cảm thấy hơi khó chịu nên Ba quyết định sẽ chọn chữ lót là Linh. Sau khi quyết định, Ba tìm hiểu, thấy trong tiếng Hán, Linh có nhiều cách viết, trong đó, theo Từ điển Trần Văn Chánh, Linh (鈴) có nghĩa là Nụ búp. Như vậy, Linh cũng có nghĩa là Mẹ luôn ở bên con (tên Mẹ ở cạnh tên con). Ngoài ra, theo thứ tự bảng chữ cái là K - L - M. Con hai bác lót Kinh, con chú lót Minh thì con Ba ở giữa lót Linh là hợp lý rồi.



Tên còn lại: Một đứa đã tên Nhi, theo chữ cái đầu của Mẹ, một đứa có lẽ nên theo chữ cái đầu của Ba. Ba lựa chọn một vài cái tên cho nữ tính mà bắt đầu bằng chữ Th. Đó là các tên Thanh, Thu, Thoa. Khi lót Linh nghe cũng được nhưng Ba cảm giác không hay lắm. Hay là dùng tên khác, không nhất thiết phải theo chữ vần Th nhỉ. Ba nói chuyện với Mẹ. Một số cái tên được đưa ra, như Anh, Sa, San, Giao, Gia, Khoa.... Mẹ thích nhất là Linh Anh. Ba đùa với Mẹ rằng dạo này Mẹ hay quan tâm tới bất động sản, hay là Ba Mẹ đặt tên các con một đứa tên nhà (Gia) một đứa tên cát (Sa). Linh Gia và Linh Sa nghe cũng được đó chứ. Nói là vậy nhưng nghĩ lại, Ba thấy tên Linh Sa có bất ổn, nếu bạn bè trêu chọc sẽ gọi là Linh Xà thì tội cho con. Con Bs Định năm nay học lớp 12, chuẩn bị tốt nghiệp nên Bs D(ịnh hay nói với Ba về chuyện thi cử. Một hôm, Ba chợt nhận ra một điều quan trọng: Nếu hai đứa con có tên với chữ cái đầu khác nhau, sau này, có khi Ba Mẹ mỗi người phải chở mỗi đứa đi thi riêng vì ở hai hội đồng. Vậy là Ba quyết định chọn tên thứ hai cũng phải bắt đầu bằng N. Hai cái tên được chốt lại sau cùng là Nga (trong Thiên Nga 天鵝, hoặc Hằng Nga 姮娥) và Nghi (trong uy nghi 威儀, mẫu nghi 母儀, nghi thức 儀式). Hai chị em con là song sinh nên Ba thấy Nghi là thích hợp hơn. Mẹ có nhắc Ba 'nếu sau này hai con mở công ty hay cái gì chung mà ghép tên lại thì phải hay'. Ba cho rằng, khi ấy không ghép tên hai con mà sẽ lấy tên Song Linh.

Nói theo chữ Hán là vậy. Nhưng khi ghép tên thì tùy theo sở thích mà các con sau này muốn diễn giải thế nào tùy ý thôi. Cũng như khi Ôn Mệ đặt tên cho Ba đâu có viết theo chữ Hán. Ôn dùng chữ Kinh là muốn lấy họ theo Kinh Dương Vương (涇陽王). Mệ đặt tên Thi là từ chữ Tây Thi 西施, gái nước Việt. Nhưng Ba dùng Kinh Thi là từ  詩經, một trong ngũ kinh, thành ra 經詩.



Tên thân mật: Mẹ thích các con có tên nước ngoài (tiếng Anh) để làm tên gọi thân mật trong nhà. Cháu nội chú Tùng, hàng xóm có tên gọi thân mật là Chuppy. Mẹ nói nghe thấy dễ thương. Mẹ nhắc Ba nhiều lần nhưng Ba chưa thấy tên nào ưng ý. Cận Tết, chú Chương có gửi cho Mẹ một hộp trái anh đào. Trái này hơi giống mận bắc, nhìn dễ thương nhưng mắc tiền. Lúc này Mẹ mới nói sẽ đặt tên thân mật của các con là Cherry. Tên còn lại Mẹ chọn luôn là Chapi, tên một bài hát mà Mẹ rất thích yêu cầu Ba hát trong đám cưới. Đó là bái Giấc mơ Chapi của NS Trần Tiến. Ba thấy không có ý kiến nào hay hơn nên đồng ý sẽ đặt tên thân mật của hai con là Cherry và Chapi luôn.

Bồi bổ

Con cái khỏe mạnh và thông minh là một điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Mẹ ốm nghén theo kiểu khó ăn uống, nhưng Mẹ đã cố gắng ăn nhiều hơn có thể để bảo đảm cho các con có đủ chất và năng lượng phát triển. Chú Hiển, bạn Ba, hay gửi tặng Mẹ hạt mắc-ca (macadamia), được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại quả khô”, và quả óc chó, mệnh danh là vua của các loại hạt. Mẹ than khó ăn, nên ăn không nhiều. Ba cố gắng nhắc Mẹ, nhờ Nội làm thành kẹo óc chó, giống kẹo đậu phộng, nhưng Mẹ cũng không ăn được mấy. Bù lại, những tháng cuối, Mẹ cố ăn nhiều thức ăn bổ hơn. Đêm đêm Mẹ hay đói bụng nên Ba cũng trữ sẵn đồ ăn, ngoài bánh ra, Ba nấu cho Mẹ miến để ăn dặm.
Ba cũng mua cho Mẹ sữa dành cho bà bầu. Thời gian đầu, Mẹ uống bình thường. Cuối tháng thứ 8, một người tặng Mẹ sữa cho bà bầu của hãng Abbott. Mấy lần Mẹ uống đều bị tiêu chảy. Lúc đầu, Mẹ nghĩ do Ba nấu ăn không cẩn thận là thức ăn bị nhiễm bẩn hoặc đồ ăn cũ. Các nguyên nhân tiêu chảy thì nhiều nhưng tiêu chảy ở mẹ bầu lại có một số nguyên nhân đặc biệt hơn như do uống nhiều nước, do ăn các loại thực phẩm có hàm lượng nước cao, rồi không dung nạp đường lactose... Sau nhiều lần bị tiêu chảy, Mẹ mới nghĩ do sữa.


Vậy là Ba Mẹ gửi hộp sữa Similac cho Nội, Mẹ không dám uống nó nữa. Sau một tuần Mẹ hết tiêu chảy, Ba mua lại sữa Dielac Mama cho Mẹ uống lại. Lần này, Ba mua loại Gold cho Mẹ uống, Mẹ lại bị sôi bụng nên rất ít uống sữa.



Sắm sửa
Mẹ nói Ba lo mua đồ chuẩn bị cho Mẹ sinh vì nhiều người, khi mang thai tháng thứ 6, thứ 7 đã mua rồi. Giờ Mẹ đã qua tháng thứ 8, thứ 9, phải mua nhanh không là không kịp. Việc mua sắm Ba chẳng biết thế nào nên nhờ bác Ly dẫn Mẹ đi mua.

Chờ sinh
Cô Nhị làm ở phòng khám với Ba đột ngột sinh ở tháng thứ 8. Cô ấy mang song thai tự nhiên, hai trai. Cô sinh vào ngày Noel. Tin này khiến Ba Mẹ lo ngại Mẹ sẽ sinh sớm. Dù vậy, Ba cũng quyết định tổ chức vui sinh nhật của Mẹ và mừng Giáng sinh. Ba nhờ chú Lâm ở nhà hàng Thủy Mộc, cạnh nhà mình chuẩn bị. Mẹ muốn Ba tổ chức bữa tiệc sinh nhật thật vui và ý nghĩa bằng việc ra câu đố. Vậy là Ba Mẹ lo chuẩn bị buổi tiệc này để đỡ nhớ tới việc nguy cơ sinh non của Mẹ.

Ba Mẹ canh từng ngày. Đến giờ này, Ba nhắc Mẹ để Ba chở đi siêu âm hàng tuần. Các con tăng cân khá chậm. Một bé (Ba đặt là bé thứ 2) đã lọt xuống tiểu khung và hầu như không tăng cân. Ba phải nhờ Bs Định siêu âm khảo sát động mạch rốn và Bs Trình đo, theo dõi CTG. Ba dự định nhờ Bs Chánh Trí, bạn cùng tổ Y88F của Ba hồi học Y mổ đẻ cho Mẹ. Bs Trình cho biết Bs Trung, phó khoa cấp cứu cũng là bạn cùng lớp Y khoa của Ba. Vậy là Ba gọi điện thoại nhờ Bs Trung mổ. Bs Trình nói Ba chích cho Mẹ thuốc trợ phổi thai nhi cho các trường hợp đề phòng sinh non...

Ba Mẹ không chuẩn bị gì mấy cho Tết. Năm nay nền kinh tế Việt Nam khó khăn, dân miền trung bị lũ lụt, ô nhiễm, mất mùa... làm ăn thất bát. Khách thăm Tết cũng ít hơn mọi năm. Ba Mẹ lúc nào cũng tư thế sẵn sàng chờ sinh. Thay vì chuẩn bị ăn Tết, Ba Mẹ đã chuẩn bị sẵn tiền bạc, tư trang để sinh ở Từ Dũ. Mẹ liên tục nhờ người quen tìm người nuôi đẻ để vô Sài Gòn giúp Mẹ vượt cạn. Khi có người, Mẹ mời đến phỏng vấn, tìm hiểu, đề nghị cho xem giấy tờ. Một số trường hợp thấy có thể nhận được, Mẹ nói Ba chở đến tận nhà. Tìm người nuôi đẻ thật khó. Người không chịu vào Sài Gòn, người đòi ứng trước tiền, người thì không chịu cho xem giấy tờ tùy thân...

Nhà Nội quyết định nhờ vợ anh Trinh, là con cậu Trang, sẽ cùng Mệ vô Sài Gòn cùng Ba Mẹ. Sau Tết, Ba liên hệ với Bs Trung để hẹn ngày vô Từ Dũ. Bs Trung nói Ba nếu thai ổn thì chờ 39, 40 tuần. Dù siêu âm động mạch rốn bình thường, nhưng mấy tuần liền, cân nặng các con, nhất là đứa thứ hai không tăng nên Ba Mẹ quyết định vô sớm. Vé tàu sau Tết mua khá khó, Ba phải lấy vé 14 Tết, ngày mà người ta thường cử kiêng đi lại. Dù Mẹ không thích đi ngày này, nhưng Ba khuyên Mẹ tranh thủ đi cho kịp và trấn an Mẹ vì mình là người Công giáo, ngày nào cũng là ngày của Chúa, cứ phú dâng hết cho Chúa. Dự tính của Ba là nhờ Bs Trung mổ ngày 14/2 cho dễ nhớ ngày sinh. Khởi hành ngày 14 âm lịch cũng phù hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG