Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Đau gót lòng bàn chân

Đau gót lòng bàn chân là một triệu chứng thường gặp của bệnh lý được gọi là Viêm cân gan chân/viêm mạc gan bàn chân (Plantar fasciitis: Plantar  là lòng bàn chân, fascia là mô liên kết và itis là "viêm"). Bệnh phổ biến ở người trên 40 tuổi, nữ gấp 2 lần nam, những người trẻ hoạt động chân nhiều như vận động viên hay binh lính. Đau thường ở một gót chân, 1/3 trường hợp đau ở cả bên.
Cân gan chân là một dãi sợi trắng chạy từ gót chân rồi rẻ ra như hình quạt chạy đến bám vào các chỏm xương bàn. Phần cân nông che phủ cơ, mạch và cân sâu che phủ xương và các cơ gian cốt. Cân gan chân có tác dụng duy trì độ cong sinh lý của bàn chân, làm cho bàn chân có được độ bật khi đi, chạy và giảm nhẹ lực đè ép lên bàn chân khi vận động. Mỗi khi bàn chân chạm đất, cân gan chân bị kéo căng; lúc chúng ta lấy đà nâng cơ thể lên khỏi mặt đất, lực căng ở cân cơ có thể đạt 2-3 lần trọng lượng cơ thể tùy thuộc vào nếu chúng ta đang đứng, đi bộ, chạy hoặc nhảy. Khi có một tình trạng căng cân gan chân lặp đi lặp lại, tại điểm cân bám vào xương gót chân sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương cân gan chân và dẫn đến tình trạng viêm cân gan chân.

Nguyên nhân

- Tổn thương do hoạt động mạnh: do đi, chạy nhảy nhiều, tăng vận động hoặc thường tập luyện với cường độ cao, thay đổi bề mặt địa hình tập luyện...

- Thay đổi cơ học kéo dài: mang giầy bó, giầy cao gót, giầy quá cứng hoặc quá xẹp,  trong một thời gian dài, cân gan chân trở nên ngắn hơn. Đau xảy ra khi bạn kéo căng phần cân đã bị ngắn. Tăng cân có thể làm giảm lớp mỡ đệm gót hoặc do trọng lực tăng làm tăng lực căng của cân cơ khi vận động.

- Bất thường cấu trúc bàn chân.

Triệu chứng

Đau thường xảy ra lúc sáng ngủ dậy đặt chân xuống sàn nhà, và giảm đau dần khi đi lại sinh hoạt trong ngày. Về sau, đau liên tục khi đi, hay chạy nhảy chơi thể thao. Đau giảm khi đi nhiều, nhưng bị lại sau thời gian nghỉ ngơi.



X-quang có thể thấy hình ảnh gai xương gót chứng tỏ một tình trạng viêm kéo dài. (Nhiều người lầm tưởng gai này châm chích nên gây đau)

Điều trị

Vật lý trị liệu

- Để gót chân đau nghỉ ngơi nhiều (nghỉ chơi thể thao, hạn chế đi bộ). Lót êm gót chân bằng miếng độn giày mềm. Đổi giày chuyên dụng, phù hợp kích cỡ nếu có bất thường ở vòm chân.

- Thực hiện các bài tập kéo căng cân gan chân và cơ bụng chân. Trước khi tập nên ngâm chân nước nóng, sau khi tập nên chườm lạnh gót chân.
 
- Massage cân gan chân bằng bài tập lăn chân trên lon cứng hoặc cây tròn. Tuy nhiên, tuyệt đối không đè ân xem mức độ đau vì dễ làm tăng tổn thương thêm cân cơ.



- Tập mạnh cơ bàn chân, cổ chân bằng cách dùng chân đạp giẻ lau nhà, duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía mặt trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng.

- Quấn băng thể thao để hỗ trợ phần cuối chân. Mang giày giữ cổ chân gập 90 độ khi ngủ để giữ chân duỗi thẳng.


Thời gian trở lại hoạt động bình thường được quyết định bởi việc cải thiện triệu chứng đau. Điều trị đúng và sớm, những triệu chứng sẽ được cải thiện sau vài tuần. Nếu trở lại hoạt động quá sớm có thể làm tệ hơn tổn thương cân cơ.

- Nếu sau 1 tuần vẫn còn đau với các biện pháp trên nên đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc

- Uống thuốc kháng viêm giảm đau, thuốc dãn cơ vân.

- Tiêm steroid vào cân gan chân.

Phẫu thuật

- Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng hữu hiệu điều trị chứng đau gót chân mãn tính.

- Bác sĩ chuyên khoa sẽ nội soi gót chân, dùng phương tiện chuyên dùng và sóng radio cắt đốt mô viêm, lấy bỏ gai gót.



Phòng bệnh

- Làm nóng thật kỹ và thực hiện các động tác kéo căng trước khi chơi thể thao. Trước khi tập đi bộ phải tập kéo căng cơ vùng cẳng-bàn chân.

- Tránh chơi trên mặt sân cứng, gồ ghề.

- Mang giày tốt và vừa chân nhất là khi tập thể dục hay đi nhiều, đứng lâu trên mặt phẳng cứng. Thay giày thể thao mới trước khi giày cũ không làm êm chân bạn.

- Tránh lặp lại việc làm thốn gót

- Giữ cân nặng hợp lý, tập kéo căng chân và bàn chân hàng ngày.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG