Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Nguồn gốc tên và thuở xí xi

Mạ  tôi mang thai tôi vào khoảng thời gian gia đình còn nhiều khó khăn. Ba Mạ còn ở Tây Linh, nội thành Huế. Lúc này, ba mạ đã có hai trai, một gái. Mạ nói, khi chị tôi sinh ra là còn gái nhưng có nước da hơi ngâm. Thời điểm mạ mang thai tôi, ba có đưa mạ đi coi phim Tây Thi (西施), gái nước Việt.  Mạ mong đứa con sinh ra tiếp theo sẽ là đứa con gái trắng trẽo, dễ thương như Tây Thi.

Có thể Mạ đã coi phim này và đã quyết định đặt tên cho tôi
Bộ phim Tây Thi sản xuất năm 1965, Giang Thanh thủ vai Tây Thi

Nghe người ta chỉ, Mạ thường ăn rau má cho mát và hy vọng sẽ đem lại cho đứa con Mạ đang cưu mang một làn da trắng.
Cũng như các anh chị, đến kỳ sinh nở, Mạ tôi lại về thôn Cầu Hai cho mụ Bé đỡ sinh. Mạ rất vui vì đứa con mới sinh có làn da trắng hơn hẳn 3 đứa con trước, giống như sự mong đợi của Mạ, chỉ có điều là con trai. Dù vậy, Ba Má vẫn quyết định đặt tên Thi như mong ước ban đầu.

Tên ba đặt cho tôi là Nguyễn Tôn Kinh Thi. Nguyễn là họ Ba, Tôn là họ Mạ. Kinh: theo Ba nói, Ba thích họ này từ câu chuyện lịch sử về Kinh Dương Vương (涇陽王), thủy tổ của dân tộc Việt, phụ thân của Lạc Long Quân. Trước đó, Ba và cậu Đàng có xin đổi sang họ Kinh nhưng chính quyền không cho. Vậy là Ba lấy họ Kinh để làm tên đệm cho các con. Do đó, mấy anh em tôi đều có họ tên là Nguyễn - Tôn - Kinh - Xxxx. Tên Thi của tôi mặc dù xuất phát từ chuyện Tây Thi (西施), nhưng nghĩa của nó là Kinh Thi (詩經), một trong Ngũ Kinh của Trung Quốc. Do đó, tên chữ Hán của tôi là 阮 孫 經 詩.

Do loạn lạc, giấy tờ khai sinh của mấy anh em tôi đều để lại Pleiku và bị thất lạc nên không ai có ngày sinh đúng. Năm 1976, khi làm lại khai sinh cho anh em chúng tôi, Ba tôi đã chọn những ngày dễ nhớ để khai. Ngày chủ yếu là 01/01 (anh Bang, anh Kha), hoặc ngày 01/05 (chị Tuyến, Kinh Tài). Riêng tôi là ngày 25/12. Tôi không nhớ hai đứa em đã mất lúc nhỏ của tôi, trong khai sinh, ba khai ngày sinh như thế nào.

Năm 199X, trong một lần về quê Cầu Hai, Ba tôi đã nhờ Cha sở Cầu Hai xem lại ngày sinh cho anh em chúng tôi. Tôi không nhớ ngày sinh của anh chị em mình, chỉ nhớ ngày sinh của mình Ba cho biết là ngày 02/07/1969 (tức ngày 18 tháng Năm, Kỷ Dậu). Mạ tôi thi nói là ngày 20 hoặc 25 tháng Năm năm Kỷ Dậu vì lúc sinh tôi là vừa qua Tết Đoan Ngọ và là ngày chẵn. Theo Mạ, có thể khi khai ngày sinh tại Cha Sở, Ba cũng chi khai cho có lệ chứ không chính xác (?). Thôi thì chắc tôi được sinh ra đâu đó vào buổi sáng đầu tháng 7/1969.

Khi sinh tôi được vài tháng, do phải trốn quân dịch, Ba Mạ tôi đổi tên và lên Pleiku, nơi có người cậu là anh cùng cha khác mẹ của Mạ sinh sống. Thời gian đầu, Ba Mạ phải rất vất vả đi buôn ở trên xứ Thượng (người Bana), đi sớm về muộn, đối diện với nguy cơ gặp họa sát thân trong thời kỳ loạn lạc. Về sau, Ba xin được việc làm, giảng dạy ở trường Tư thục Minh Đức ở địa chỉ 44 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku (một trường do các linh mục Pleiku tổ chức, nay là Trường THPT Pleiku), rồi làm cho Hội Hồng-Thập-Tự nên cuộc sống cũng đỡ dần dần.

Mạ ẵm tôi chụp trên nóc nhà. Nhìn mái tôle có thể thấy mái lợp
 từ nhiều loại tôle khác nhau, có cả thanh sắt chằn cho khỏi bay

Cu Thi ngủ mới dậy, đang đi ra đứng trước sân.
Chân mang đôi giầy thỏ, đôi giầy tôi rất thích lúc nhỏ
Nền sân là đất nện, nhà gỗ khá tuềnh toàng, cửa lưới.
Lúc này, nhà đã có một chiếc xe (bóng xe đổ trên nền)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÊN ĐẦU TRANG