Nám da mặt là gì?
Nám da mặt có thể là một biểu hiện ngoài da của một bệnh lý nội khoa. Khi có nám da mặt đơn thuần, nghĩa là chỉ khu trú trên mặt, đó là do các tác nhân bên ngoài gây nên như ánh sáng mặt trời, các yếu tố lý, hóa, cơ học hoặc do rối loạn nội tiết và chuyển hóa đơn thuần thoáng qua làm gia tăng lượng sắc tố da (melanine).
Lứa tuổi thường bị nám da mặt nhất là 30-40 tuổi. Tỷ lệ nam : nữ = 1 : 3.
Sự hình thành
Nám da bao gồm hai quá trình quang sinh học riêng biệt:
- Quá trình thâm da tức thì: còn gọi là quá trình thâm da nhiễm sắc tố ở thượng bì do các tia có bước sóng 320-720nm gây nên. Quá trình này cần có oxy và do oxy hóa melanin qua việc tạo nên các gốc tự do dạng semiquinon trong phân tử melanin polymer. Sự vận chuyển melanosom từ tế bào sắc tố và sự phân phối lại các melanosom đã có trong tế bào sừng cũng có thể xảy ra trong phản ứng này.
- Sự tạo melanin hay phản ứng rám nắng chậm: bao gồm
1. Tăng số lượng các tế bào sắc tố (tế bào melanin) hoạt động do tăng sinh các tế bào này và hoạt hóa các tế bào melanin không hoạt động.
2. Tăng các tua của các tế bào melanin.
3. Tăng số lượng melanosom trong khi tăng sinh các tế bào melanin.
4. Tăng hoạt động men tyrosinase
5. Tăng vận chuyển melanosom từ tế bào melanin tới tế bào sừng.
Trên 1mm2 da người có khoảng 1000-1500 tế bào melanin, có nhiệm vụ sản xuất hắc sắc tố bảo vệ da (melanin). Khi lượng melanin sản xuất quá nhiều, da mặt sẽ có màu nâu đen.
Chất melanin tích tụ thành những hạt nhỏ trong các tế bào melanin, đôi khi tràn xuống cả lớp tế bào đáy nằm ở phía dưới. Chất melanin không tự nhiên mất đi, tích tụ thành mảng, tách rời hoặc liên kết nhau.
Chất melanin được sản xuất từ tyrosin, không màu. Khi có men tyrosinase xúc tác, tyrosin sẽ biến thành melanin có màu đen hay nâu đen.
Quá trình này nhanh, chậm, nhiều, ít tùy thuộc vào các nhân bên ngoài như tia cực tím, bức xạ, sức nóng môi trường. Ngược lại, một số chất thì có tác dụng làm giảm quá trình này như acid ascorbic, hydroquinon và dẫn xuất.
Nguyên nhân
Danh từ nám da mặt chỉ để gọi một thể xạm da khu vực, khu trú trên mặt, còn gọi là Melabo, còn các vùng da khác đều bình thường. Cần phân biệt với các bệnh gây nám da toàn thân: suy tuyến thượng thận (Addison), cường tuyến thượng thận (Cushing), bệnh gai đen, sốt rét, Lupus ban đỏ, nhiễm sắc tố sắt, suy dinh dưỡng...
Nám da mặt thông thường không xuất phát từ bệnh hệ thống, được phân biệt thành hai loại:
- Cảm quang (nhạy với ánh nắng): do dùng hóa mỹ phẩm, xà bông, các hóa chất hoặc thuốc như thuốc ngừa thai, Chloroquin, Opthalidon, các sulfamid lợi tiểu, các kháng sinh, Amiodaron, Rifamycin... và thức ăn.
- Nhóm không cảm quang: gồm có nám má (Choloasma) thường gặp ở phụ nữ có thai, xạm da Riel ở phụ nữ 35-40 tuổi, suy dinh dưỡng, bệnh á sừng...
1. Tác động ánh nắng mặt trời
Ánh nắng mặt trời làm trầm trọng hơn tình trạng nám da ở 100% bệnh nhân. Ánh nắng mặt trời mang nhiều tia tử ngoại là tác nhân chính gây nám da mặt. Nắng càng nhiều càng khiến da tăng sản nhiều melanin để tạo ra lớp tự vệ dày hơn. Thời gian từ 10 đến 15 giờ trong ngày là lúc nắng nhất và lượng tia tử ngoại tác động vào da mạnh nhất.
Sức nóng làm da mất nước, bong tróc tế bào và khả năng nuôi dưỡng da kém hơn. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên mà không được bảo vệ sẽ làm da xù xì, giảm độ bóng, nám, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa. Da sẽ nhão, mất độ đàn hồi, nhăn sớm, đổi mồi, tàn nhang...
2. Yếu tố di truyền
Đây là một tác nhân quan trọng trong sự phát triển rối loạn này. 20-70% số bệnh nhân được nghiên cứu cho thấy nám da mặt mang tính gia đình. Nám da mặt rất thường xảy ra ở ngưới Châu Á, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Châu Mỹ La-tinh.
3. Thuốc ngừa thai
Còn nhiều tranh cãi, nhưng dường như đây không phải là tác nhân chủ yếu gây nám mặt.
4. Mỹ phẩm
Ở Việt Nam, đa số các bệnh nhân nám mặt có tiền sử sử dụng mỹ phẩm không thích hợp. Nhiều người sử dụng tùy tiện các loại mỹ phẩm do truyền miệng mà không cần biết tác dụng thật sự và tác hại của mỹ phẩm ấy đối với mình. Nhiều mỹ phẩm chứa corticoid (Top-gel, Top-sin, Cortibion...) làm giạm và mất nám mặt rất ngoạn mục trong thời gian ngắn do làm giảm sắc tố da nhanh và mạnh. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau thì xảy ra không biết bao nhiêu tai họa như mụn, teo da, mỏng, giãn mạch máu nhỏ ở mặt vỉnh viễn... và nám da mặt lại xuất hiện nặng hơn trước.
Biểu hiện
Nám da mặt có thể xuất hiện rất sớm ở tuổi 20, vết nám nhỏ, mờ thường khó phát hiện, đôi khi chỉ có thể nhìn thấy qua kính lúp hoặc máy soi da. Vết nám tăng dần diện tích và đậm độ theo lứa tuổi, cao điểm ở phụ nữ trên 35 tuổi. Đến giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh sẽ xuất hiện nhiều hơn và nhanh hơn. Một số thống kê còn cho thấy nám da mặt liên quan tới kinh nguyệt một cách rõ rệt.
Trên da mặt, vết nám thường xuất hiện rải rác, nhỏ như đầu tăm hoặc tụm thành từng đám lấm tấm quanh mép, gò má, cánh mũi, quanh mắt, trán. Thông thường kèm theo tình trạng khô da; khi nắng to, oi bức còn ngứa nhẹ. Hiện tượng bong tróc tế bào da mặt tăng do tình trạng lão hóa, rối loạn sinh lý hô hấp tế bào vì bọ nhiễm độc melanin quá mức.
Quá trình nám da mặt có thể kéo theo tình trạng nhăn da mặt (lão hóa da) nhanh hơn bình thường, nét mặt già trước tuổi kèm theo các yếu tố tâm thần kinh khác như lo lắng, mặc cảm hoặc hoang tưởng bệnh nặng.
Vì sao phụ nữ hay bị nám da hơn ?
Về sinh lý, chu trình nội tiết của nam giới ổn định hầu như cả cuộc đời, các giai đoạn phát triển của cơ thể không làm thay đổi sinh lý nội tiết đáng kể mà thay đổi cũng không đột ngột, phức tạp. Hơn nữa, sức đề kháng hormone-thần kinh nam giới dường như có khả năng chống lại các tác nhân bên ngoài tốt hơn.
Ở phụ nữ, các thời kỳ phát triển sinh lý phức tạp và thường đột ngột hơn như tuổi dậy thì, kinh nguyệt, thai kỳ, tiền mãn kinh và mãn kinh. Hàng tháng chu kỳ nội tiết đều thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt làm cho các rối loạn nội tiết ở nữ có tỷ lệ cao hơn. Khi có sự suy giảm hormone sinh dục nữ (oestrogen), hormon có tác dụng làm trắng da, những tác nhân mỹ phẩm, hóa chất, thuốc ngừa thai... phụ nữ hay dùng làm tăng tỷ lệ bị nám da mặt.
Dự phòng và Điều trị
1. Dự phòng:
Đơn giản và hữu hiệu nhất là bảo vệ da khỏi tác dụng của tia nắng mặt trời: mang mũ rộng vành, dù, kính mát, khăn che mặt, làm việc nơi râm mát, bôi kem chống nắng khi phải ở nơi tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời.
Ăn ngủ sinh hoạt điều độ, không để mát ngủ, tránh lo âu buồn phiền, săn sóc da mặt (massage) để tăng cường tuần hoàn da mặt, ăn những thức ăn có chứa các vitamine A, C, E, trái cây.
2. Điều trị:
Khi đã bị nám phải điều trị sớm ngay từ khi mới xuất hiện ít. Tốt nhất cần thực hiện hai điều chính sau:
- Ăn đủ thịt, cá, trứng và nhất là rau trái tươi, tối thiểu phải 500g/ngày.
- Tránh các tác nhân có thể gây bệnh như tránh nắng, thuốc ngừa thai, mỹ phẩm có hại... đội nón mũ rộng vành, che chắn và bôi kem chống nắng.
Ban ngày, khi ra nắng, các tế bào hắc tố (melanocyst) ở lớp trong cùng sẽ tiết ra melanin làm cho da sậm màu lại để tránh tác hại của nắng. Ban đêm, khi vào mát, các melanin lại được hủy biến. Trong phản ứng này cần có đầy đủ các vitamine nhóm B và C, nên cần ăn rau trái tươi mỗi ngày. Một khi da bị nám phải chờ ít nhất là 80 ngày, là thời gian cần thiết cho lớp tế bào biểu bì ấy tróc ra và thay thế vào đó một lớp tế bào biểu bì mới không nám.
Có thể dùng kem dưỡng da có chứa các vitamine E, A, C và các hoặc chất giữ độ ẩm cho da vào buổi sáng hoặc tối trước khi ngủ.
Trong thời gian điều trị bệnh nhân cần tránh nắng ít nhất là 3 tháng.
Các loại mỹ phẩm tẩy trắng da hiện nay rất nhiều, bao gồm các hóa chất: lưu huỳnh, acid salicylic, hydroroquinon, corticoid, thủy ngân và dược thảo. Nhiều quốc gia đã cấm sự hiện diện trong mỹ phẩm các chất thủy ngân, corticoid và tretinoin do nguy cơ tiềm tàng của chúng. Đặc biệt ngay sau khi ngưng dùng các loại mỹ phẩm này, nám mặt sẽ tái phát nhanh chóng.
L-Cystin là một acid amin chứa lưu huỳnh, cần cho sự cấu tạo keratin (chất sừng) ở hiện bộ (lông, tóc, móng). Trong phản ứng biến Cystin thành Keratin cần có sự hiện diện của Pyridoxan (vitamine B6). Công dụng chính của Cystin chỉ là phụ trị giúp giảm bớt chứng rụng tóc, hói đầu, hư xấu móng chứ không có tác dụng trị nám da như quảng cáo.
Bôi kem có chứa hydroquinon làm giảm sắc tố tạm thời với nồng độ nhỏ hơn hay bằng 2%. Tuy nhiên cần lưu ý nguy cơ ung thư da và monobenzylether của hydroquinon có thể gây mất sắc tố kiểu bạch biến vĩnh viễn. Dùng hydroquinol lâu ngày có thể gây đục thủy tinh thể do xông lên mắt. Trước đây người ta có sử dụng hydroquinon để chống nám, làm trắng da, trị tàn nhang... nhưng hiện nay một số nước đã cấm dùng.
Mequinol (Leucodinine B, Clairodermyl, Eny, Eny fort, Crème de 3 fleurs d’Orient) là một biệt dược có khả năng ngăn cản sự tái lập melanin.
Tuy nhiên không có hiệu quả mấy khi điều trị nám mặt do thuốc, do mỹ phẩm hoặc nám nắng lâu ngày.
Các Adrenocorticoid (Topsyne, Betamethasone, Celestoderm, Synalar, Valisone...) được dùng để làm giảm các triệu chứng đỏ da, sậm màu, ngứa, sưng... nhưng chỉ được bôi không quá một tuần.
Có thể sử dụng vitamine C liều cao kéo dài nhưng cũng thận trọng những tác dụng phụ khi dùng với liều cao kéo dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét